Hồng Yến không đẹp nhưng vui tươi, vừa tốt nghiệp hết lớp 9 cũng tròn 16 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của thời niên thiếu. Hồng Yến chưa một lần ra thị trấn chứ nói gì lên tận thành phố này. Quê Yến nghèo như trong chuyện cổ tích mặc dù có xa xôi gì với thành phố này. Nó chỉ cách thành phố 180km, nhưng nơi ấy cuộc sống đang diễn ra rất khác biệt. Nơi đây không có điện, không có cơ quan xí nghiệp hay quán xá, lâu lâu vài chiếc xe máy cũ của ai đó ngoài thị trấn chạy qua. Vì ba mẹ nghèo, bà con xa gần thì đông và không thể giúp gì cho nhau, nên Hồng Yến nghe lời mẹ khăn gói lên thành phố làm người giúp việc để lo cho gia đình.
Năm 1994, mức lương thời đó cho cô gái 16 tuổi như Yến người ta trả 200.000 đồng mỗi tháng, trong khi tô phở rẻ nhất là 10.000 đồng. Cứ hết tháng mẹ lên nhận lương để về lo cho em út. Cứ thế cuộc sống trôi đi không biết ngày nào sẽ khấm khá hơn. Thế rồi một ngày nọ khi Hồng Yến tròn 18 tuổi, người quen mai mối cho cô lấy chồng Đài Loan. Hồng Yến đồng ý lấy chồng cũng như bao cô gái nghèo, ít học, ít trải nghiệm đường đời và không ai dìu dắt vào cuộc sống. Khi nghe tin Hồng Yến lấy chồng, tôi vừa lo, vừa tức bản thân mình không lo liệu được cho đám cháu quê nghèo, để rồi trong số đó có Yến đã đưa ra quyết định quan trọng trong cuộc đời, nhưng lại không biết tương lai ra sao.
Tôi đến dự đám cưới và còn nhớ như in hôm đó là một nhà hàng bình dân ở quận 5, chỉ có vỏn vẹn 20 người bao gồm gia đình hai bên và cái đám mai mối. Hồng Yến lấy chồng, một anh thanh niên cao to trắng trẻo, nhìn vào là biết đó là người Hoa. Anh ta thi thoảng mỉm cười và không nói lời nào, dường như mẹ anh kiểm soát rất chặt mọi hành vi của anh. Nếu tinh mắt sẽ biết có gì đó bất bình thường, nhưng Hồng Yến nào có biết đâu. Thật sự khi anh ta sinh ra đã bị bệnh về não, không có khả năng học hành, chậm phát triển và không thể kiểm soát hành vi của mình.
Tối đêm hôm đó, Hồng Yến ngủ lại khách sạn với anh ta và ngày sau về Đài Loan. Sau bao năm làm dâu xứ người với biết bao khổ cực, thăng trầm, nào là không thể giao tiếp tiếng bản xứ, chồng bị bệnh và không kiểm soát hành vi, gia đình đông anh em nên Yến phải một tay dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, con nhỏ và may vá phụ mẹ chồng... Vì thế chưa một ngày nào Yến được nghỉ ngơi hay gặp gỡ bạn bè bên ngoài.
Ban đêm, Hồng Yến làm thêm ở các quán ăn từ lau dọn, bưng bê đến vệ sinh nhà hàng. Yến chỉ xin được công việc như vậy thôi vì không biết tiếng Đài Loan. Lòng mong mỏi kiếm tiền gửi cha mẹ lo cho em út cứ khắc khoải trong lòng đứa con xa xứ. Sau một năm xa nhà, Hồng Yến cũng dành được 1.000 USD gửi cha mẹ. Cuộc sống cứ thế trôi đi, Yến không bạn bè người thân ruột thịt bên cạnh. Thỉnh thoảng tôi gọi Hồng Yến để động viên cháu vài câu, nhưng bên kia đầu dây toàn là nghe tiếng cười vui của Hồng Yến. Vui vì nghe điện thoại của tôi. Có lẽ Hồng Yến vô tư, hồn nhiên và ít đa sầu đa cảm nên không buồn khổ như tôi nghĩ.
Tôi hỏi Hồng Yến chồng con thế nào? Hồng Yến nói "nó bị khùng dì ạ". "Nó có tử tế với con không?", Hồng Yến đáp lại "Nó không biết gì hết vì nó bị bệnh dì ơi". Tôi khâm phục sự hồn nhiên của Yến. Cũng nhờ vào tính tình tích cực, vui vẻ, chịu khó của Yến nên ba mẹ chồng cũng rất thông cảm cho con dâu. Vì vậy, họ cho Yến để dành tiền làm thêm buổi tối gửi về quê.
Lần đầu tiên trở về quê sau sáu năm chia xa, tôi thấy Yến trông khác lạ, tiếng Việt lờ lợ tiếng Đài Loan. Yến trông gầy hơn nhưng năng động, đi cùng hai cô công chúa da trắng hồng, tóc quăn rất đáng yêu. Cô chị còn cao hơn Hồng Yến. Hai chị em nói toàn tiếng Đài Loan và vài câu tiếng Việt. Ba mẹ con luôn nói vui cười với nhau bằng tiếng Đài Loan và trông thật hạnh phúc.
Hồng Yến khoe với tôi rằng mẹ chồng và chị chồng cho tiền về quê thăm cha mẹ. Yến cũng có để dành từ công việc làm thêm bấy lâu nay để xây cất cho cha mẹ một căn nhà cấp 4 khoảng 200 triệu đồng. Ở quê tôi, để cất được căn nhà cấp 4 là một niềm hãnh diện với xóm làng. Tôi vừa thương, lại vừa khâm phục con người của Hồng Yến. Cô gái này không hờn giận hay oán trách số phận, chỉ biết sống trọn vẹn trong từng vai trò mà cuộc đời đã ban cho.
Le Thuy
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com