Theo đại diện SHB, năm qua, dư nợ tín dụng của nhà băng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng xây lắp, cơ sở hạ tầng, tiêu dùng...
Ngoài dư nợ tín dụng tăng trưởng ổn định, trong bối cảnh cầu tiêu dùng yếu, nhà băng vẫn duy trì được bộ đệm tài chính mạnh cũng trích lập rủi ro để giảm thiểu biến động của nền kinh tế.
Đến hết năm 2023, tổng tài sản của SHB đạt 630.000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường một đạt 497.000 tỷ đồng. Sau quyết định chấp thuận tăng vốn từ Ngân hàng Nhà nước, vốn điều lệ SHB đạt 36.194 tỷ đồng, nằm trong top 4 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất hệ thống.
Thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 20.523 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 9.245 tỷ đồng. Chỉ số thu nhập từ hoạt động CIR đạt 23%. Chi phí dự phòng rủi ro tăng so với năm 2022 giúp SHB tiếp tục cải thiện đệm dự phòng rủi ro lên mức 75%.
"Trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế đầy khó khăn và thách thức, chúng tôi đặt lợi ích chung, sự phát triển bền vững của quốc gia, cộng đồng làm kim chỉ nam trong mọi hoạt động", đại diện SHB chia sẻ.
Nhờ đó, năm qua, ngân hàng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng dành cho khách hàng mới và các đợt giảm lãi suất dành cho khách hàng hiện hữu. Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng lên tới hơn 2.800 tỷ đồng. Các chính sách, hỗ trợ phi tài chính khác cũng được ngân hàng triển khai nhằm góp phần giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để duy trì, ổn định và phục hồi tăng trưởng.

Chi nhánh giao dịch của SHB. Ảnh: SHB
Nhờ chuyển đổi số với định hướng rõ ràng, nhà băng đạt tăng trưởng tốt về khách hàng và giao dịch. SHB đã xây dựng nhiều sản phẩm số, đưa các tính năng mới hiện thực hóa như: Ứng dụng di động dành cho khách hàng doanh nghiệp SHB Corporate Mobile giúp các doanh nhân quản trị chủ động mọi lúc mọi nơi; ứng dụng SHB Saha tích hợp gần 40 tính năng mới cho khách hàng cá nhân; tính năng bán ngoại tệ online...
Trong vận hành, SHB tự động hóa nhiều quy trình nội bộ phục vụ cho công tác quản trị, gồm ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản trị điều hành, tăng cường quản lý rủi ro, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ kinh doanh... Hiện 90% các nghiệp vụ ngân hàng trọng yếu ó thể thực hiện hoàn toàn trên kênh số. Đồng thời, 90% số lượng giao dịch của các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân đều được thực hiện hoàn toàn thông qua kênh số Mobile Banking, Internet Banking.
Trong năm qua SHB đã mở rộng thêm 5 chi nhánh và 25 phòng giao dịch, nâng tổng số lượng điểm giao dịch trong nước và quốc tế lên 569. Mạng lưới này giúp đáp ứng nhu cầu giao dịch tài chính của đa dạng đối tượng khách hàng, kết nối các thành phần kinh tế, tạo việc làm cho nhiều người lao động.
Đồng thời, ngân hàng đã hoàn tất việc chuyển nhượng 50% vốn cổ phần SHBFinance cho Ngân hàng Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan, Song song đó, nhà băng đồng hành cùng các định chế tài chính quốc tế như WB, IFC, ADB, KfW... để triển khai các dự án hàng tỷ đồng, trong đó có hợp tác tín dụng giữa với IFC với gói vay trị giá 120 triệu USD.
Năm 2023 SHB kỷ niệm 30 năm phát triển, được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đồng thời, các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế trao nhiều giải thưởng như Ngân hàng tài trợ thương mại tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng có tác động ESG tốt nhất Việt Nam, Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng, Nơi làm việc tốt nhất châu Á...
Thảo Vân