Chiều 22/12, ông Nguyễn Thanh Phong, đại diện Liên minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), cho biết vị trí 17 ha tại khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng, trước đây có cây tràm, hiện nhiều vị trí bị chết dẫn tới hệ sinh thái dưới nước suy giảm, chim di cư mất dần nơi trú ẩn, sinh sản.
Theo kế hoạch, ba tháng đầu năm 2023, IUCN sẽ hoàn thành thủ tục với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, dọn thực bì, đào mương; những tháng cuối năm sẽ trồng cây; năm 2024 dọn cỏ, phòng cháy chữa cháy, cắt tỉa cây yếu và trồng bổ sung số cây bị hao hụt.

Vị trí dự kiến trồng tràm trong khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Ảnh: Gia Chính
Cũng theo IUCN, việc trồng cây sẽ đem lại ba tác dụng chính. Thứ nhất, tạo hệ sinh thái ngập lũ để các loài thực vật, động vật như chim hoang dã, chim nước, thủy sản quý hiếm có nơi trú ngụ. Thứ hai là bảo vệ đất phèn không bị chuyển hóa, ngăn cản sự chua hóa lớp đất mặt, trữ nước ngọt. "Rừng tràm có tác dụng phòng hộ và bảo vệ môi trường sống cho con người như hạn chế gió bão, lốc", ông Thanh nói về tác dụng thứ ba.
Bà Định Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho rằng trồng cây trong rừng đặc dụng cần tính toán kỹ lưỡng vị trí. Nếu trồng trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt thì việc đưa máy móc cơ giới vào đào kênh mương ít nhiều sẽ có tác động đến hệ sinh thái, đặc biệt với vùng ramsar.
Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Láng Sen là khu ramsar thứ 7 (công nhận năm 2015) trên tổng số 9 khu của Việt Nam. Hệ sinh thái của Láng Sen mang đặc trưng của Đồng Tháp Mười. Khu bảo tồn có nhiều diện tích rừng đặc dụng, theo quy định cần được bảo vệ nghiêm ngặt.