Theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc, châu Âu đón gần 750 triệu lượt khách quốc tế trong 2024, nhiều nhất trong các châu lục. Hơn 70% lượng khách đến đổ dồn về khu vực nam và tây Âu.
Khách tăng đột biến khiến nhiều thành phố du lịch nổi tiếng chịu áp lực lớn về chỗ ở, nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng. Tình trạng chen chúc tại các điểm check in nổi tiếng, cửa hàng kem mọc dày đặc và tiếng bánh xe vali lăn trên các con đường lát đá trở thành hình ảnh quen thuộc. Khắp châu Âu, làn sóng phản đối du lịch quá mức đang lan rộng, một số quốc gia bắt đầu triển khai các biện pháp kiểm soát.

Du khách ngồi gondola ở Venice, Italy. Ảnh: AP
Nguyên nhân châu Âu đối mặt tình trạng trên đến từ nhiều yếu tố: giá vé máy bay rẻ, sức ảnh hưởng từ mạng xã hội, du khách dễ dàng lên kế hoạch du lịch nhờ AI hỗ trợ, nền kinh tế ổn định ở nhiều quốc gia. Khách đến từ Mỹ, Nhật, Trung, Anh chiếm tỷ lệ cao hơn cả, tập trung vào những điểm như Barcelona, Tây Ban Nha hay Venice, Italy. Khách đổ dồn vào các mùa cao điểm khiến nhu cầu nhà ở, tài nguyên tăng đột biến.
Tại vùng Địa Trung Hải, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Pháp đón khoảng 100 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm và dẫn đầu thế giới. Tây Ban Nha đứng thứ hai với gần 94 triệu lượt, gần gấp đôi dân số quốc gia này.
Ở Pháp, bảo tàng Louvre, điểm tham quan đông khách nhất thế giới, buộc phải đóng cửa hồi giữa tháng khi nhân viên đình công để phản đối tình trạng quá tải. Hàng nghìn khách đặt vé trước phải chờ dưới nắng nóng.
Các cuộc biểu tình chống du lịch đã nổ ra ở nhiều nơi tại Tây Ban Nha. Tại Barcelona, súng nước trở thành biểu tượng phản kháng khi người biểu tình dùng để xịt vào khách du lịch, kèm biểu ngữ: "Thêm một du khách, bớt một cư dân!". Các quần đảo Canary và Balearic ghi nhận đón hơn 15 triệu lượt khách trong năm 2024, cao gấp ba lần dân số địa phương.

Du khách đến tham quan đài phun nước Trevi, Italy. Ảnh: AP
Italy cũng chứng kiến áp lực tại Venice, Rome, Capri và Verona - nơi gắn với câu chuyện Romeo & Juliet. Tại bờ biển Amalfi, ứng dụng gọi xe Uber phải cung cấp dịch vụ trực thăng và thuyền riêng để tránh tắc nghẽn trong mùa cao điểm.
Hy Lạp, với lượng khách gấp gần bốn lần dân số trong năm 2024, gặp khó khăn về nước, nhà ở và năng lượng, đặc biệt ở các đảo du lịch như Santorini hay Mykonos. Nhiều nơi còn phải đối mặt với hạn hán kéo dài.
Tại nhiều thành phố, giới chuyên gia và nhà hoạt động chỉ ra rằng làn sóng du lịch đang làm thay đổi diện mạo khu dân cư, từ việc cửa hàng truyền thống bị thay thế bằng quầy lưu niệm, chuỗi nhà hàng toàn cầu, đến giá thuê nhà tăng vọt do bùng nổ cho thuê ngắn hạn.
Angelos Varvarousis, chuyên gia đô thị sống tại Barcelona và Athens, cảnh báo tình trạng du lịch quá mức đang khiến các địa phương mất dần đi văn hóa bản địa.
Trước tình trạng quá tải du lịch và thiếu hụt nhà ở trầm trọng tại các thành phố lớn, chính phủ Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italy đã đưa ra loạt biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát dòng khách và bảo vệ nguồn lực cho người dân bản địa.
Tây Ban Nha gọi khủng hoảng nhà ở hiện nay là "thách thức quản trị lớn nhất" của đất nước. Tháng 5/2024, chính phủ yêu cầu nền tảng Airbnb gỡ bỏ gần 66.000 cơ sở lưu trú bị cho là vi phạm quy định địa phương. Cùng lúc đó, chính quyền Barcelona công bố kế hoạch loại bỏ toàn bộ 10.000 căn hộ đang được cấp phép cho thuê ngắn hạn tại thành phố từ nay đến năm 2028. Giới chức cho biết mục tiêu là giữ lại nguồn cung nhà ở cho cư dân toàn thời gian.
Nhiều thành phố khác cũng đang tìm cách điều tiết lượng khách du lịch bằng cách hạn chế lưu trú qua đêm hoặc thu phí đối với khách đi tàu biển.

Người dân Barcelona biểu tình đòi 'đuổi' khách về nhà vào mùa hè 2024. Ảnh: AP
Tại Hy Lạp, từ 1/7, du khách đến các đảo qua đường du thuyền sẽ phải đóng phí, 20 euro (khoảng 530.000 đồng) với các điểm nổi tiếng như Mykonos và 5 euro (khoảng 130.000 đồng) với những đảo ít được ghé thăm như Samos. Chính phủ cũng kêu gọi du khách khám phá các địa phương yên tĩnh hơn để giảm áp lực lên các điểm du lịch nổi tiếng.
Để đối phó với tình trạng thiếu nước vào mùa hè, Hy Lạp đã điều tàu chở nước từ đất liền ra các đảo và sử dụng công nghệ khử mặn để tăng lượng nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, di tích Acropolis ở Athens áp dụng khung giờ tham quan theo lượt để tránh quá tải cũng như nắng nóng, đảm bảo an toàn cho du khách.
Italy cũng có động thái tương tự khi Venice tái áp dụng chính sách thu phí vào cửa đối với khách tham quan trong ngày, sau khi thử nghiệm vào năm 2024. Mức phí dao động từ 5 đến 10 euro (khoảng 130.000–260.000 đồng), áp dụng trong mùa cao điểm.
Dù nhiều người dân địa phương bức xúc, một số nhà quản lý du lịch tin rằng vấn đề có thể kiểm soát nếu hạ tầng được cải thiện. Bộ trưởng Du lịch Italy, Daniel Santanche, cho rằng có thể sử dụng công nghệ AI để điều phối lượng khách tại các điểm đông khách như bảo tàng Uffizi ở Florence, nơi lưu giữ nhiều kiệt tác nghệ thuật. Bà đề xuất bán vé tham quan từ sớm, đồng thời nhấn mạnh phần lớn du khách chỉ tập trung ở khoảng 4% diện tích lãnh thổ Italy.
"Du lịch cần là cơ hội, không phải mối đe dọa, kể cả với cộng đồng địa phương", bà nói.
Anh Minh (Theo SCMP)