Vườn xoài Tư Mách của lão nông Nguyễn Văn Mách ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh mở cửa đón khách tham quan từ tháng 4/2022, hiện là một trong số điểm thu thu hút du khách địa phương và các tỉnh lân cận. Vườn có diện tích 8.000 m2, mỗi vụ cho năng suất khoảng 12 tấn xoài. Sau hơn một năm, vườn đã đón hơn 1.500 lượt khách tham quan, trải nghiệm.
Ông Mách cho biết, bản thân làm du lịch không chỉ vì mục đích kinh tế, mà qua đó muốn giới thiệu với du khách về trái xoài đặc sản quê hương. "Làm du lịch trải nghiệm vất vả hơn sản xuất, bởi chúng tôi càng phải chăm chút nâng niu cho những trái xoài, vừa tạo cảnh quan đẹp, thoải mái để du khách tham quan".
Cùng với ông Mách, nhiều hộ dân tại huyện Cao Lãnh cũng làm du lịch và hình thành Làng du lịch Mỹ Xương. Như ông Lê Phước Tánh, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh lại cải tạo mảnh vườn 1.500 m2 thành điểm tham quan du lịch cộng đồng bao gồm thăm quan vườn xoài, trải nghiệm hoạt động dỡ chà bắt cá, thưởng thức ẩm thực miền Tây...
Xoài là một trong số sản phẩm hàng chủ lực của Đồng Tháp khi thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi diện tích trồng lúa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Để tăng giá trị cho trái xoài cũng như tăng thu nhập từ trái xoài, chính quyền và người nông dân đã thực hiện nhiều giải pháp từ gieo trồng đến thu hoạch, chế biến và tiếp thị sản phẩm.
Theo đó, tỉnh đã tổ chức phát triển ngành hàng xoài theo chuỗi giá trị, hình thành nhiều vùng trồng tập trung quy mô lớn ở huyện Thanh Bình, huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Hai giống xoài chính được trồng tại tỉnh là Cát Chu (chiếm 60% tổng diện tích) và Hòa Lộc (chiếm 40% tổng diện tích).
![Đồng Tháp nâng tầm vị thế trái xoài/Nâng tầm vị thế trái xoài Đồng Tháp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/12/10/ad7-8442-1702182319.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PQtPp6gDZ4cbiwYFM_KvNQ)
Một vườn xoài tại Đồng Tháp. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp
Song song với việc tổ chức lại sản xuất, các hợp tác xã cũng thay đổi tư duy sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng, đẩy mạnh chế biến. Tại Đồng Tháp, việc sản xuất xoài được ứng dụng khoa học và công nghệ theo hướng an toàn, bền vững, có gắn kết truy xuất nguồn gốc và liên kết thị trường tiêu thụ. Tỉnh có gần 300 vùng được cấp mã số, với hơn 8.000 ha. Những mô hình sản xuất xoài hữu cơ như của nông dân Nguyễn Phú Hiệp (xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh), mô hình ủ phân hữu cơ tưới xoài của Tâm quê Hội quán (xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh)...
Từ năm 2019, nhãn hiệu "Xoài Cao Lãnh" đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ và được cấp chỉ số địa lý "Cao Lãnh" cho sản phẩm.
Ngoài thị trường tiêu thụ trong nước tại các chợ truyền thống, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, xoài Đồng Tháp đã lên sàn thương mại điện tử, được xuất khẩu trực tiếp đi nhiều thị trường như: EU, Mỹ, Australia, Liên bang Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Đây chính là kết quả từ việc Đồng Tháp ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất và tiêu thụ xoài. Đơn cử như Tổ hợp tác xoài Bà Két (xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh), thời điểm Covdi-19 đã dùng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, kết hợp với web nông sản làm tem truy xuất nguồn gốc, lập fanpage riêng để minh bạch sản phẩm... nhờ đó được khách hàng tin dùng.
"Xoài của Tổ hợp tác xoài Ba Két đã được cấp mã số vùng trồng, quản lý trên phần mềm Kipus, gồm quản lý nhật ký điện tử cấp tem có mã QR, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của Postmart. Nhờ đó bán được lượng hàng lớn hơn và đủ điều kiện tham gia đăng ký sản phẩm OCOP", ông Nguyễn Phú Hiệp, tổ trưởng Tổ hợp tác xoài Bà Két cho biết.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết Đồng Tháp đã làm mã vùng trồng đặc biệt hướng tới những thị trường có nhu cầu lớn về xoài, giao cho hợp tác xã, hội quán, cơ quan cấp huyện, xã quản lý về mặt nhà nước.
"Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện, cũng như chia sẻ cho doanh nghiệp sử dụng mã vùng trồng với điều kiện đảm bảo minh bạch, có trách nhiệm nhằm mục tiêu phát triển đặc sản này", ông Thiện nói.
Ngoài trái tươi, xoài Đồng Tháp còn được chế biến rượu xoài, mứt xoài, xoài sấy dẻo, bột xoài, siro xoài, các loại bánh từ xoài... Các doanh nghiệp cũng xây dựng quy trình sử dụng, tái chế phụ phẩm được tạo ra trong quá trình sản xuất, như chế biến vỏ, hạt xoài để tạo ra thức ăn chăn nuôi, phân bón... hình thành các mô hình doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn trong ngành chế biến xoài.
![Một vườn xoài Đồng Tháp được đầu tư để trở thành điểm du lịch. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/12/10/ad5-5882-1702182319.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hJ6YUr6C1dbnOvzyRoJ2Tw)
Một vườn xoài Đồng Tháp được đầu tư để trở thành điểm du lịch. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp
Để khai thác các tiềm năng của cây xoài, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức "Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2023 - Nâng tầm vị thế", quy mô cấp tỉnh lần đầu tiên. Trong 4 ngày diễn ra (28/4 - 1/5) thu hút khoảng 150.000 lượt người đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động. Tại sự kiện, Hội Ngành hàng xoài Đồng Tháp ra mắt.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, năm 2023, diện tích trồng xoài khoảng 14.000 ha, chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh. Sản lượng đạt khoảng 150.000 tấn mỗi năm. UBND tỉnh lên kế hoạch đến năm 2025, diện tích trồng xoài đạt 36% trong tổng số diện tích trồng cây ăn trái của địa phương; ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhà vườn, đặt mục tiêu lợi nhuận tăng ít nhất 15% một năm...
Kim Ánh