Thứ năm, 22/5/2025
Thứ năm, 16/5/2024, 00:25 (GMT+7)

Dòng người rước tượng Phật trên đường TP HCM

Hàng nghìn người tham gia rước tượng Phật trên chặng đường một km từ chùa Ấn Quang đến Việt Nam Quốc Tự mừng lễ Phật đản, tối 15/5.

Lúc 20h, hàng nghìn người cung thỉnh kim thân Đức Phật sơ sinh khởi hành từ tổ đình Ấn Quang (đường Sư Vạn Hạnh). Sau nửa tiếng, đoàn người rước tượng Phật đến Việt Nam Quốc Tự - nơi lễ đài chính của của lễ mừng Phật đản.

Đây là một trong những hoạt động mở đầu tuần lễ Phật đản (Phật lịch 2568) do Ban Văn hóa Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM tổ chức.

Tượng kim thân Đức Phật sơ sinh đặt trên kiệu hoa, cao khoảng một mét, được các tăng ni trang nghiêm cung rước.

Lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời. Ngài xuất thân là thái tử Tất Đạt Đa, Vương tộc Thích Ca, được cho là sinh vào ngày Rằm tháng tư năm 624 trước tây lịch (theo Nam tông); mùng 8/4 (theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.

Theo thông lệ, hàng năm cứ đến ngày Rằm tháng tư, hầu hết nước có Phật giáo và các phật tử long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Từ năm 1999, lễ Phật đản vào 15/4 đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới.

Các tăng ni cầm theo đèn hình hoa sen - loài hoa biểu tượng của Phật giáo, trang nghiêm cung rước Ngài về lễ đài. Theo quan niệm nhà Phật, khi đức Phật sinh ra đã đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở một đóa sen nâng gót.

Hải Yến, 24 tuổi, trong bộ cổ phục, cầm theo đèn hoa di chuyển trên đường. "Phật đản là một trong ngày lễ lớn của những người theo đạo Phật. Tôi rất vui khi được góp mặt trong hoạt động rước Đức Phật", nữ sinh nói.

Phật tử hai bên đường hân hoan khi đoàn rước tượng Phật đi qua. Lực lượng an ninh túc trực để điều tiết giao thông trong khu vực.

Bà Nguyễn Thị Chi, 72 tuổi, thành kính chắp tay cầu nguyện khi dòng người đưa tượng Phật đi vào trong chùa Việt Nam Quốc Tự. "Năm nào tôi cũng cố gắng đến chùa dự lễ cung nghinh Đức Phật, với mong muốn lan tỏa thông điệp từ bi, tình thương yêu", bà nói.

Sau khi tụng kinh, niêm hương, lần lượt các hòa thượng thực hiện nghi thức mộc dục, tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh, nhằm tái hiện hình ảnh chư thiên tắm mát Đức Phật lúc Ngài vừa đản sinh.

Nghi thức tắm Phật ở Việt Nam lần đầu tiên được tiến hành dưới thời vua Lý Thánh Tông, sau đó trở thành nghi lễ truyền thống của Phật giáo Việt Nam trong đại lễ Phật đản.

Dòng người xếp hàng chờ tới lượt tắm Phật, kết thúc hoạt động mở đầu tuần lễ Phật đản ở TP HCM.

Trong tuần Phật đản ở các chùa tại TP HCM còn làm lễ phóng sinh, thả hoa đăng trên sông, tổ chức văn nghệ, thuyết giảng Phật pháp... với hàng nghìn phật tử tham dự.

Quỳnh Trần