Đã là quy định thì phải thực hiện, mặc dù có bất tiện hay không. Nhưng quy định cũng phải xuất phát từ hoàn cảnh thực tế của từng cá nhân, từng địa phương, nhất là quy định về giờ làm việc.
Dự thảo bộ luật lao động sửa đổi đang xin ý kiến về thời gian bắt đầu làm việc từ 8h30 đến 12h và từ 13h đến 17h30. Tôi băn khoăn dự thảo về giờ làm việc có áp dụng thống nhất trong toàn quốc không?
Theo tôi dự thảo quy định trên chỉ phù hợp với các thành phố lớn vì:
Thứ nhất, quy định này có thể phần nào giải quyết vấn đề giao thông cho các thành phố lớn.
Thứ hai, nhiều cơ quan hành chính Nhà nước ở các thành phố lớn đã áp dụng giờ làm việc này. Đa số cơ quan hành chính tại thành phố lớn đã có bếp ăn tập thể hoặc ăn uống tập trung, ăn nhanh và nghỉ ngơi tại chỗ...
Thứ ba, cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế để giải quyết các vấn đề về con cái, người già, người tàn tật ở thành phố lớn tốt hơn rất nhiều so với nơi khác. Và có thể còn rất nhiều việc phù hợp khác nữa.
Nhưng quy định trên lại hoàn toàn không phù hợp với điều kiện làm việc ở các cơ quan, đơn vị tại các tỉnh lẻ, vùng ngoại ô vì:
Thứ nhất, giao thông ở các tỉnh lẻ hoặc vùng ngoại ô không tắc đường do mật độ phương tiện tham gia giao thông ít, nên không cần phải giải quyết.
Thứ hai, các cơ quan hành chính Nhà nước ở các tỉnh lẻ hoặc khu vực ngoại ô phần lớn không tổ chức ăn cơm trưa tại đơn vị, không có bếp ăn tập thể... Nếu quy định này được thực hiện sẽ phát sinh việc nhiều cơ quan, đơn vị phải xây dựng bếp ăn tập trung, tuyển nhân viên hợp đồng cấp dưỡng... sẽ đi trái với chủ trương tinh giản biên chế.
Thứ ba, đa số các trường học không có chế độ ở bán trú hoặc việc ở bán trú không đáp ứng được yêu cầu.... Trong khi thời gian nghỉ trưa của cán bộ, viên chức lại rất ngắn nên ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc con cái. Chưa kể, nhiều gia đình còn phải chăm sóc người già, người tàn tật, điều này ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em và người cao tuổi, người tàn tật...
Thứ tư, thói quen ăn uống buổi trưa là bữa chính (sáng, tối là bữa phụ) của đa số người Việt Nam (cái này về lâu dài có thể thay đổi được) không như phương Tây hay các thành phố lớn.
Thứ năm, việc đón con vào buổi chiều của phụ huynh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế, nhiều trường học có giờ học khác hoàn toàn so với giờ làm việc của các cơ quan Nhà nước (đây là vấn đề thuộc về mặt đồng bộ thời gian).
Thứ sáu, do nước ta có nhiều vùng khí hậu không tương đồng. Thời gian 8h30 ở khu vực đồng bằng đã là rất muộn. Trong khi ở miền núi cao, vào mùa đông 17h30 đã là quá muộn.
Chúng ta chấp nhận xu thế hội nhập của thế giới, nhưng phải xem xét đến hoàn cảnh thực tiễn của đất nước. Phương Tây có cơ sở vật chất để chăm sóc người già, người tàn tật, trẻ em... Cơ sở hạ tầng, văn hóa ăn uống, tập quán sinh hoạt của họ cũng khác hẳn chúng ta. Theo tôi, việc quy định giờ làm việc phải dựa trên thực tiễn của từng vùng, miền, địa phương.
Còn để giải quyết vấn đề liên thông giờ làm việc hành chính trong cả nước, vấn đề này theo tôi không khó. Những thủ tục hành chính liên quan đến việc phục vụ người dân, doanh nghiệp... chúng ta có thể thống kê được. Tại sao chúng ta không thực hiện cải cách hành chính? Nhóm các công việc này lại để liên thông, cử cán bộ, công chức trực ngoài giờ hành chính (hoặc liên thông giờ trực ngoài giờ hành chính, tiếp công dân trong cả nước) để phục vụ người dân, doanh nghiệp (như ở bệnh viện cử các ca trực)? Thay vì chúng ta cứ máy móc phải đến giờ hành chính mới tiếp nhận, giải quyết như hiện nay.
Không phải cái gì hay ở nước ngoài mà đem áp dụng vào nước ta cũng thành công. Mỗi đất nước, mỗi xã hội, vùng, miền lại có những đặc điểm riêng. Quy định này có thể phù hợp với chỗ này nhưng lại hoàn toàn không phù hợp với nơi khác.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.