Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính - Vũ Thị Mai cho biết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2013 tổ chức sáng nay (3/12).
Trước đó, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều phản ánh việc thoái vốn ngoài ngành gặp khó khăn do quy định không được thoái vốn thấp hơn mệnh giá.
Tại cuộc họp báo đầu tháng 10, đại diện PVN cho biết tập đoàn còn hơn 5.800 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành, song việc thoái vốn đang gặp khó khăn. "Tập đoàn phải rút vốn nhưng vẫn phải bảo toàn ở mức cao nhất, bên cạnh đó còn phải chọn thời điểm. Có những việc làm được ngay, có những việc cần thời gian", ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch PVN nói.
Vị này cho rằng cần một quy chế mới để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không còn những khoản đầu tư ngoài ngành, sao cho tài sản của Nhà nước vừa được bảo toàn ở mức cao nhất trong quá trình thoái vốn mà doanh nghiệp cũng có thể cắt lỗ hợp lý.
Trong khi đó, EVN đến nay mới chỉ giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty bảo hiểm từ hơn 22% xuống 20%, trong khi việc thoái vốn tại ngân hàng An Bình, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản gặp trở ngại do cần phải làm nhiều thủ tục với cơ quan có thầm quyền và thiếu chính sách phù hợp.
Bộ Tài chính sẽ có những nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể để đẩy nhanh thoái vốn ngoài ngành, Thứ trưởng Mai phát biểu.
Ngoài ra, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng được nhóm công tác của VBF đánh giá diễn ra chậm chạp. Từ hơn 800 doanh nghiệp được cổ phần hóa năm 2004-2005, đến năm 2012 chỉ còn 13 doanh nghiệp, ông Trần Anh Đức - Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại cho biết.
Do vậy, để đẩy nhanh quá trình này, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay thời gian tới sẽ tập trung hoàn thiện những cơ chế, chính sách như hoàn thiện cơ chế chuyển đổi và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, sửa đổi việc giao, bán doanh nghiệp.
Đồng thời, nghiên cứu trình Chính phủ việc tăng sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp Việt Nam, tái cấu trúc thị trường chứng khoán để tạo điều kiện cho nhà đầu tư.
Phương Linh