Ngày nay những thuật ngữ như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhận tạo - AI, Internet of Thing - IoT (Internet kết nối vạn vật), hay Big Data (dữ liệu lớn) đã dần trở nên gần gũi. Điều đó cho thấy sự dịch chuyển của công nghệ trong các vai trò khác nhau, trong số đó phải kể đến một phần ảnh hưởng không nhỏ với quá trình vận hành của các doanh nghiệp.
"Ở đó những vấn đề được giải quyết bởi con người có thể được thay thế bởi máy tính, như hệ thống IT làm cắt giảm chi phí sổ sách, hệ thống phân tích dữ liệu thông minh làm thay thế nhân sự ra quyết định về kinh doanh, hệ thống nhận dạng hình ảnh và xử lý chính xác làm thay thế nhân sự xử lý hàng hoá", ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch của Công ty cổ phần Con Cưng, đơn vị đang quản lý hai chuỗi siêu thị Concung và ToyCity chia sẻ.
Tuy nhiên, việc thích nghi của các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số cũng không phải quá trình đơn giản, đặc biệt khi mà những xu hướng kinh doanh mới đang đặt ra những yêu cầu "chưa từng xuất hiện" trong cách thức quản trị.
![doanh-nghiep-lo-chuyen-doi-cach-van-hanh-thoi-40](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2017/10/18/information-security-teleworke-4690-6082-1508287774.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9wMwVb-oUS1w4OjEHFXJtQ)
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, quản trị doanh nghiệp sẽ không đứng ngoài kỷ nguyên số.
Theo ông Minh, tác động của công nghệ đến quản trị doanh nghiệp sẽ dẫn đến hai hệ quả. Đầu tiên, những doanh nghiệp nào đáp ứng càng cao về khả năng ứng dụng công nghệ thì càng có khả năng cắt giảm chi phí nhanh chóng, rút ngắn thời gian ra quyết định, tăng cường chất lượng sản phẩm. Với những điều đó, doanh nghiệp đó sẽ có khả năng cạnh tranh để trở thành công ty dẫn đầu.
Tuy nhiên sự phát triển của công nghệ cũng sẽ đặt ra yêu cầu sáng tạo ra các mô hình kinh doanh mới và điều này làm biến mất các mô hình kinh doanh hiện hữu. Mô hình taxi hiện tại là một ví dụ rõ nét nhất. "Đây là xu hướng không thể đảo ngược", ông Minh đánh giá.
Bàn về những tác động của Cách mạng công nghệ 4.0 tại sự kiện mới tổ chức, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đánh giá rằng, các công nghệ mới sẽ tạo ra những phương thức đáp ứng nhu cầu hoàn toàn mới, điều này sẽ tạo sức ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp và các chuỗi giá trị đang tồn tại.
Minh chứng cho điều này, ông Dũng dẫn sự ra đời của Uber, Grab đã tác động đến cách thức kinh doanh của các hãng taxi truyền thống và nếu không có sự đổi mới về cách cung cấp dịch vụ thì những đơn vị này khó có thể tồn tại. “Cách kinh doanh truyền thống chúng ta có thể nhìn thấy chắc như đinh đóng cột có thể sụp đổ là điều hiển nhiên”, ông Dũng nói.
Đối với doanh nghiệp, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự hình thành của công nghệ được dự báo sẽ tạo ra nhiều tác động đến công tác quản trị. Bộ máy nhân sự của doanh nghiệp trở nên gọn nhẹ từ việc ra quyết định đến quản trị hàng hoá, triển khai chính sách và ra quyết định kinh doanh.
Ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT trong một sự kiện gần đây cũng cho rằng, trước hết các doanh nghiệp phải nhận thức và hiểu được Cuộc cách mạng Công nghệ 4.0 là gì, có tác động, điểm mạnh gì có thể tận dụng, chỉ khi hiểu được những điều này các doanh nghiệp mới có thể đối phó.
"Cuộc cách mạng này sẽ ảnh hưởng đến từng mô hình sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, do đó mỗi doanh nghiệp, ngành nghề sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Cuộc cách mạng này trên thế giới cũng mới bắt đầu, cho nên các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng từ đầu bằng nền tảng và giải pháp của mình, từ đó áp dụng vào thực tế của Việt Nam”, ông Bảo khẳng định.
Tuy nhiên, công nghệ vừa là cơ hội nhưng cũng được đánh giá là thách thức với nhiều doanh nghiệp hiện tại. Việc áp dụng công nghệ vào hoạt động của từng doanh nghiệp không thể hình thành trong một sớm một chiều, mà phải là một nền tảng hệ thống được quy hoạch bài bản trong một giai đoạn dài. Và trong quá trình đó, mỗi công ty có những mức độ rào cản khác nhau. Một trong số đó là sự hiểu biết về sự quan trọng của công nghệ để có những đầu tư thích hợp.
"Một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tốt không đồng nghĩa có tầm nhìn tốt", ông Minh đánh giá.
Dẫn chứng cho điều này, ông Minh cho rằng một số doanh nghiệp đã hiểu và đã ứng dụng công nghệ, tuy nhiên, rào cản lớn hơn là khả năng phán đoán và sẵn sàng cho các sự thay đổi. Bởi nếu như không kịp thích ứng trước khi sự thay đổi xảy ra sẽ làm cho mô hình kinh doanh của doanh nghiệp đó một cách rất nhanh chóng trở nên lỗi thời và không còn phù hợp với thị trường.
Một ví dụ điển hình của điều này là việc nhanh chóng tạo ra các mô hình bán lẻ mới có tác dụng thay thế các mô hình bán lẻ hiện hữu đang sử dụng quá nhiều nhân lực lao động. Và quá trình này cũng sẽ rút ngắn thời gian và phương thức tương tác khách hàng.
Người đứng đầu hệ thống Con Cưng và ToyCity cho rằng, một trong những biểu hiện đầu tiên là sự thay đổi trong kênh bán hàng online. Online không chỉ là một phương thức tiếp cận khách hàng, mà đây là một trong những kênh bắt buộc phải có ở từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, với sự phát triển ngày càng nhanh của công nghệ, kênh bán hàng này đang dần mất đi lợi thế cạnh tranh khi đây trở thành yêu cầu bắt buộc phải có.
Minh Sơn