Hôm 27/8, Bộ Y tế đã trình dự thảo lần thứ 4 của "Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia" lên Thủ tướng Chính phủ. Đến 7/9, bản dự thảo với tên được điều chỉnh thành "Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia" đã được Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, sau nhiều lần tiếp thu ý kiến, dự thảo luật đã có những điều chỉnh tiến bộ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất bia vẫn còn quan ngại, tập trung 3 vấn đề là tên gọi của luật, quy định cấm doanh nghiệp rượu bia quảng cáo, tài trợ và cấm bán rượu bia trên Internet.
Cụ thể, dự thảo quy định rượu, bia dưới 5, 5 độ cồn không được quảng cáo ngoài trời, trên phương tiện giao thông công cộng, trong các chương trình văn hóa, thể thao, sân khấu, điện ảnh, trang thông tin điện tử. Rượu, bia 5, 5-15 độ cồn chỉ được quảng cáo trên phát thanh, truyền hình từ 22h - 6h sáng.
Đối với tài trợ, đơn vị không được tài trợ bằng sản phẩm rượu bia và không được để tên, hình ảnh sản phẩm, không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động tài trợ.
![Bộ Y tế đã rút 3 phương án đề xuất khung giờ cụ thể cần cấm bán rượu, bia trong dự luật và chỉ ghi sẽ thực hiện theo lộ trình của Chính phủ. Ảnh: Bloomberg](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2018/09/11/uong-bia-9781-1536663108.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tKoGzA3FAjA80Ak-rMzMyQ)
Bộ Y tế đã rút 3 phương án đề xuất khung giờ cụ thể cần cấm bán rượu, bia trong dự luật và chỉ ghi sẽ "thực hiện theo lộ trình của Chính phủ". Ảnh: Bloomberg
"Dự thảo hạn chế quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ thì ảnh hưởng doanh thu ngành bia, ngành quảng cáo và cả ngành du lịch. Người tiêu dùng cũng sẽ không phân biệt được hàng thật với hàng giả. Tài trợ mà không được nêu tên thì chẳng khác nào 'áo gấm đi đêm', không ai muốn làm nữa", ông Nguyễn Tiến Vỵ - Phó chủ tịch VBA nói.
Trong buổi tọa đàm hôm 6/9 cùng Bộ Công thương, đại diện các đơn vị như Sabeco, Heineken Việt Nam, Carlsberg Việt Nam đều cho rằng quy định cấm quảng cáo trong dự luật không phù hợp với Luật Quảng cáo hiện hành. Việc tài trợ nhưng "ẩn danh" được cho là không mang lại lợi ích. Các sự kiện lớn trong nước sẽ không được tài trợ và doanh nghiệp sẽ đi tài trợ ở nước ngoài.
Carlsberg Việt Nam nêu một nghiên cứu của McKinsey nói rằng trung bình 15, 7% tăng trưởng GDP đến từ quảng cáo. Theo đơn vị này, cấm quảng cáo ngoài trời, trên Internet là tổn thất kinh tế. Quảng cáo chỉ nên hạn chế các yếu tố như kích thích lạm dụng đồ uống có cồn, lôi kéo đối tượng vị thành niên hay nói rằng sẽ thành công nếu uống rượu, bia.
Đến hôm 11/9, trong một hội thảo đóng góp ý kiến tương tự, các doanh nghiệp vẫn trong trạng thái nhấp nhỏm.
"Những quy định cấm quảng cáo rượu, bia trong những khung giờ nhất định cần được cân nhắc lại vì nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy cấm quảng cáo không làm giảm tiêu thụ rượu, bia. Chúng tôi cũng đề nghị có chế tài thực thi nghiêm khắc để ngăn chặn sự phát triển của đồ uống có cồn bất hợp pháp", ông Joris Janssen - Giám đốc tiếp thị khu vực Đông Nam Á của Công ty bia Anheuser-Busch Inbev nêu ý kiến.
Năm 2016, ngành bia, rượu đóng góp ngân sách gần 45.300 tỷ đồng. Năm 2017, con số này ước 50.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1, 7% GDP. "Tất cả tác động nào đến khách hàng của chúng tôi thì cũng sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi và đóng góp cho ngân sách", ông Trần Hữu Đạt - Giám đốc bán hàng O-I BJC Việt Nam Glass bình luận.
O-I BJC là một trong hai công ty sản xuất vỏ chai bia lớn nhất Việt Nam với doanh số 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Ông Đạt nói công ty nộp thuế 100 tỷ đồng mỗi năm và đã đầu tư 330 tỷ giai đoạn 2016-2017.
Ngoài vấn đề quảng cáo, tài trợ, VBA đề xuất đổi tên luật thành "Luật kiểm soát đồ uống có cồn" hoặc "Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn". Việc này nhằm giúp phạm vi điều chỉnh bao quát và chính xác hơn, loại trừ các loại bia không cồn hoặc tránh việc các sản phẩm đồ uống khác, như trái cây lên men có cồn, có thể né luật.
Cùng với đó, Hiệp hội cho rằng, việc cấm bán rượu, bia trên Internet là không phù hợp với sự phát triển của thương mại điện tử. Dù luật chưa ban hành nhưng những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành rượu, bia đã giảm dần, phù hợp với quy hoạch của Bộ Công Thương.
Nếu như từ 2015 trở về trước, ngành bia luôn tăng trưởng 2 con số mỗi năm thì từ 2016 chỉ còn một con số. Năm 2017, tăng trưởng chỉ còn 5, 6%. Trong khi đó, thất thu ngân sách từ rượu không nhãn mác ước tính 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Nghiên cứu của Euromonitor cho biết, tổng thiệt hại từ thị trường bia, rượu trái phép tại Việt Nam ước hơn 10.000 tỷ đồng mỗi năm.
Bà Trương Thị Bích Hạnh - Đại biểu quốc hội tỉnh Bình Dương, Thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đơn vị đang tiến hành thẩm tra dự luật cho biết hiện các thành viên của Ủy ban cũng có ý kiến khác nhau về 3 vấn đề: tên của luật, việc quảng cáo rượu, bia và lập quỹ về phòng chống tác hại rượu bia.
Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được khởi động từ năm 2011 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2020. Quốc hội định cho ý kiến luật này tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, hiện có thông tin luật này đã bị rút khỏi chương trình nghị sự trong kỳ họp tháng sau.
Viễn Thông