Mở vỏ ra đã thấy ruột bị đinh xé rách một đường dài. Chủ tiệm nói phải thay ruột xe, giá là 80.000 đồng. Cái ruột mới thay mà nay chỉ vì cây đinh đã đi tong, đành bóp bụng trả tiền… Thôi đành cho là của đi thay người.
Nhưng chưa an ủi bao lâu thì lại thấy có người dắt xe vô tiệm. Lại xe cán phải đinh, lại thay ruột, lại móc túi ra bấm bụng trả tiền. Nhìn chủ tiệm, lòng tôi thấy rất giận. Ngờ anh ta là đinh tặc, ngờ anh ta trục lợi trên nỗi đau khổ và mất mát của khách đi đường. Ngờ như vậy mà không bằng cớ nên đành câm nín.
Nhưng đó là chúng tôi còn may mắn. Biết bao nhiêu những nạn nhân bị thương tật hay tử vong do nạn rải đinh mà không tìm được thủ phạm. Và đinh tặc vẫn nhơn nhơn ngoài vòng pháp luật, thách thức dân lành, không dừng tay thủ ác… Đó chỉ là chuyện quen thuộc của những nạn nhân như tôi khi gặp nạn đinh tặc. Mà hầu hết phương cách giải quyết là tự than thở, tự lo tránh đường rải đinh mà thôi. Bởi muốn kiện tụng thì phải bắt quả tang kẻ rải đinh. Hơn nữa, nếu có bắt quả tang thì kẻ rải đinh cùng lắm cũng sẽ bị công an gọi lên để cảnh cáo và xử phạt hành chính theo quy định với mức cao nhất chỉ 5-7 triệu đồng.
Để chống đinh tặc, có người như anh Phạm Công Xuân ở Bình Dương phải chế ra loại xe hút đinh và được tôn vinh là Hiệp sĩ chống đinh tặc. Chỉ đi 50 km một ngày là anh có thể hút được 2 kg đinh. Ở quận 2, TP HCM, còn có cả đội vá xe tình nguyện giúp người đi đường gặp nạn đinh tặc. Ở Thủ Đức có cả một đội thanh niên tình nguyện dùng xe đi hút đinh hằng ngày. Cùng lúc, thị trường cũng tung ra loại hợp chất tráng lên vỏ xe để tránh rải đinh…
Nhưng đinh tặc dường như không dứt, nhiều phen lộng hành, chúng dùng đinh nhôm thay cho đinh thép nên xe hút đinh cũng vô tác dụng. Thành thử bên chống cứ chống, bên hoành hành cứ hoành hành, người dân vẫn chịu cảnh bị đinh tặc hành hạ.
Một thực tế hiển nhiên mà ai cũng biết là đinh tặc lộng hành trong thời gian dài như vậy, ở những địa bàn trọng điểm như vậy, với những nạn nhân nhiều và đầy đủ tên tuổi như vậy, không thể không bị phát hiện. Chính quyền địa phương khó lòng không biết, và với nghiệp vụ của cơ quan điều tra thì thủ phạm của các vụ rải đinh được tìm ra không mấy khó khăn.
Nhưng gần 20 năm nay, người dân vẫn phải chống chọi với đinh tặc mà chưa có giải pháp nào hữu hiệu, chính là vì mức xử phạt của pháp luật hiện hành quá nhẹ với tội phạm này. Mới đây, dự thảo Bộ Luật Hình sự bổ sung nội dung về tội đinh tặc với gia tăng hình phạt. Theo đó đinh tặc có thể bị phạt tiền từ 30 đến 500 triệu đồng và có thể bị phạt án tù với khung hình cao nhất lên đến 12 năm. Nếu các điều khoản mới được Quốc hội sớm thông qua, chắc chắn những nỗi đau khổ từ các nạn nhân của đinh tặc mới có cơ giảm bớt.
Và không chỉ có đinh tặc, những loại “tặc” đang lộng hành hiện nay còn có cát tặc, cẩu tặc, lâm tặc, ngư tặc, tin tặc… và những loại “tặc” không biết gọi tên là gì khi dùng chất cấm chăn nuôi gia súc, dùng hóa chất độc hại nhuộm thực phẩm đang chờ đợi sự nghiêm minh của pháp luật.
Khoảng chờ đợi đầy bức xúc 20 năm cho những tội danh như đinh tặc, dường như là quá dài.
Anh Thi