Việt Nam với 90 triệu dân là một mảnh đất màu mỡ cho bất cứ hãng điện thoại nào nếu biết khai thác đúng cách. Đã là điện thoại Việt Nam thì làm sao để nó phục vụ đúng nhu cầu của người Việt Nam. Ở phân khúc cao, trung và thấp, nhìn đâu cũng thấy toàn tên tuổi thuộc hàng khủng. Cao thì có Samsung, iPhone, Sony; trung thì có HTC, Levono, Oppo; thấp thì có Nokia và ông khổng lồ Trung Quốc. Vậy thì còn cửa nào đây? Xin thưa đó là cửa “siêu thấp”.
Nhớ lại trước đây mình có đọc bài nói về sự thành công của một anh chuyên sản xuất TV hiệu gì mình không nhớ rõ, nhưng chính xác là anh ấy sản xuất TV bóng đèn chục năm trước đây. Ấy thế mà bán rất tốt và anh cũng trở thành triệu phú đôla. Như vậy nghĩa là dân ta vẫn rất nghèo, tại sao không sản xuất điện thoại phục vụ tầng lớp nghèo nhất, những bác xe ôm, những anh chị công nhân, những đồng bào dân tộc, dân cư vùng xâu vùng xa. Rồi có ngày các trẻ em từ 6 đến 15 tuổi và người già trên 60 cũng là khách hàng tiềm năng của điện thoại phục vụ người Việt này, vì ở tuổi này nhu cầu thật sự là liên lạc chứ không phải là các giá trị cộng thêm như thời trang, sành điệu, lướt web.
Theo ý chủ quan của mình, cứ sản xuất ra điện thoại siêu rẻ, siêu đơn giản, chỉ cần nghe gọi được rõ ràng và độ bền tương đối tốt, không hư hỏng gì trong vòng một năm thôi, nhưng mẫu mã sặc sỡ, nhìn vui mắt, giá thành chỉ khoảng 180 nghìn, có thêm định vị GPS giúp cho phụ huynh giám sát con và người già thì giá cao hơn chút khoảng 250 đến 300 nghìn. Nếu nhà đầu tư nào làm được điều này, sản xuất ra một loại điện thoại giá siêu rẻ mà chất lượng ổn định, mẫu mã vui thì sẽ bán rất tốt. Thậm chí những người đã có iPhone, Samsung Note 4, 5 cũng mua thêm vài cái để làm việc riêng. Chỉ việc tưởng tượng các bác xe ôm, nông dân, chị vé số, anh thợ hồ, các em nhỏ tầm 8, 9 tuổi, các cụ già đều có điện thoại là thấy vui rồi. Hãy làm đúng nhiệm vụ phục vụ thật sự cho đại bộ phận dân nghèo Việt Nam thì ngoài lợi nhuận về vật chất, điện thoại này còn tràn đầy tính nhân văn khi nó đem lại lợi ích cho những người bình dân nhất trong xã hội.
Đ. Minh