Ngày 30/4/2024, biên đội 4 tiêm kích F-16 cất cánh từ căn cứ không quân Holloman ở bang New Mexico, Mỹ, để thực hiện chuyến huấn luyện theo kế hoạch. Báo cáo sự cố được không quân Mỹ công bố tuần trước cho biết chuyến bay diễn ra trong thời tiết tốt, bầu trời quang đãng, tầm nhìn không hạn chế và có gió nhẹ.
Các tiêm kích F-16 lần lượt cất cánh với giãn cách khoảng 15 giây. Tuy nhiên, sau khi chiếc thứ ba trong đội hình rời mặt đất khoảng 33 giây và ở độ cao hơn 300 m, phi công thông báo "có tiếng nổ lớn, mất lực đẩy, máy bay rung lắc dữ dội".
![Tiêm kích F-16C đóng tại căn cứ Holloman, bang New Mexico, Mỹ bay huấn luyện tháng 8/2020. Ảnh: USAF](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/11/5563187178137268615e-My-173926-4130-7528-1739261092.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=I0STNHWsczfauHU-6FQqkw)
Tiêm kích F-16C đóng tại căn cứ Holloman của Mỹ bay huấn luyện tháng 8/2020. Ảnh: USAF
Phi công giữ cho chiếc F-16 bay thẳng và tăng độ cao, thông báo đình chỉ huấn luyện khẩn cấp và dành 40 giây để xác định nguyên nhân sự cố. Tuy nhiên, khi độ cao giảm xuống dưới 500 m, người này nhận định không còn khả năng khởi động lại động cơ và phải nhảy dù để bảo đảm an toàn.
"Số 3 sẽ phóng ghế thoát hiểm", phi công thông báo qua điện đàm, 105 giây sau khi cất cánh tại căn cứ Holloman. 4 giây sau, ghế phóng được kích hoạt khi tốc độ máy bay chỉ còn gần 290 km/h.
Do thoát hiểm ở độ cao nhỏ, cảm biến trên ghế phóng tự bật dù ngay sau khi rời máy bay. Phi công tiếp đất an toàn và không bị thương. Ba chiếc F-16 còn lại liên tục quần thảo bên trên để xác định vị trí phi công và máy bay rơi xuống, nhằm hướng dẫn lực lượng tìm kiếm cứu hộ.
Một trực thăng lục quân Mỹ đang huấn luyện gần đó được điều động hỗ trợ và tới vị trí của phi công trong vòng 5 phút. Sau khi được quân y kiểm tra tại chỗ, phi công tự đi tới trực thăng để về căn cứ.
Theo kết luận của ủy ban điều tra thuộc không quân Mỹ, tai nạn bắt nguồn từ tầng nén thứ 5 của động cơ máy bay. Lá cánh tầng nén bị gãy rời và văng ra với tốc độ lớn, dẫn tới vụ nổ bên trong động cơ F100-PW-220 của chiếc F-16. "Động cơ bị hỏng nghiêm trọng khi máy bay ở độ cao nhỏ, khiến nó không có cơ hội trở về căn cứ", các nhà điều tra cho hay.
![Cánh tầng nén thứ 5 trong động cơ tiêm kích F-16 bị rơi hồi tháng 4/2024 tại bang New Mexico, Mỹ. Ảnh: USAF](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/11/5563187178137268615a-My-173925-1978-3452-1739257415.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=z7270rbyGe6wqGbM9aZs6A)
Tầng nén thứ 5 trong động cơ tiêm kích F-16 bị rơi hồi tháng 4/2024 tại bang New Mexico, Mỹ. Ảnh: USAF
F100-PW-220 là động cơ tua-bin phản lực do Pratt & Whitney chế tạo, được trang bị cho tiêm kích F-15 và F-16, với 13 tầng nén và làm nóng không khí trong quá trình tạo ra lực đẩy.
"Các kỹ thuật viên ở căn cứ Holloman và những đơn vị khác thường kiểm tra 4 tầng nén đầu tiên từ cửa hút gió động cơ, trong khi tầng nén 6-13 có thể tiếp cận từ đuôi máy bay. Tất cả 12 tầng này đều được kiểm tra bằng máy quay đặc biệt sau mỗi 100 giờ bay", báo cáo có đoạn.
Trong khi đó, tầng nén thứ 5 nằm ở vị trí đặc biệt, được ví là "điểm mù bên trong động cơ" và là bộ phận duy nhất không bao giờ được kiểm tra trong các đợt bảo dưỡng định kỳ tại đơn vị vận hành, khiến kỹ thuật viên không thể phát hiện dấu hiệu bất thường.
"Bộ phận này chỉ có thể tiếp cận khi máy bay được đưa về căn cứ Tinker để đại tu toàn diện. Kỹ thuật viên khi đó phải tháo động cơ khỏi máy bay và rã nó thành từng mảnh để kiểm tra", các nhà điều tra không quân Mỹ viết.
Động cơ F-100 trên tiêm kích F-16 gặp nạn được đại tu lần cuối là vào năm 2016. Ủy ban điều tra nhận định có khả năng tầng nén bị lắp sai cách trong quá trình này, khiến lá cánh bị hỏng rồi văng ra trong chuyến bay huấn luyện.
Tuy nhiên, các kỹ thuật viên khẳng định nếu điều này thực sự xảy ra, động cơ sẽ không thể vượt qua nghiệm thu trước khi xuất kho để trả về đơn vị. Do đó, ủy ban điều tra kết luận nguyên nhân khiến lá cánh tầng nén thứ 5 gãy rời và văng ra là "điều bí ẩn".
![Vị trí 13 tầng cánh trong động cơ tiêm kích F-16. Đồ họa: USAF](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/11/5563187178137268615c-My-173925-1239-4394-1739257416.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ClguLf5g6bAfzJQCJEoykQ)
Vị trí 13 tầng cánh trong động cơ tiêm kích F-16. Đồ họa: USAF
"Tất cả những người liên quan, gồm phi công, kỹ thuật viên và các chỉ huy bay tại căn cứ Holloman, đều không có lỗi trong tai nạn. Kỹ thuật viên phụ trách bảo dưỡng không thể phát hiện được lỗi trước khi sự cố xảy ra, thậm chí không có khả năng tìm được bộ phận hỏng hóc trong đợt kiểm tra gần 10 năm trước", ủy ban điều tra cho hay.
Tiêm kích đa năng F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, được Mỹ và các đồng minh sử dụng. Mỗi chiếc F-16 có giá khoảng 30-35 triệu USD tùy biến thể, nhưng khách hàng có thể trả nhiều hoặc ít hơn dựa vào số lượng đặt mua, điều kiện kinh tế - chính trị và các yếu tố khác.
F-16 có thể đạt tốc độ tối đa 2.120 km/h ở độ cao 12 km, bán kính chiến đấu 546 km với cấu hình vũ khí tối ưu.
Nguyễn Tiến (Theo Task&Purpose, AFP, AP)