Nó thừ người dựa lưng vào ghế sau khi nhận chiếc chăn mỏng từ chị tiếp viên, phóng mắt ra bên ngoài, màn đêm bao phủ đặc quánh. Belarus - bầu trời này vẫn như những ngày qua, như thời điểm 5 năm về trước, vẫn chưa từng một lần thân thiện với nó.
Đêm nay khác hơn, nó không còn nghĩ về sự cô đơn và tủi nhục, gạt lại tất cả cảm xúc tiêu cực, nó muốn mình vẹn toàn để trở về Việt Nam. Ngồi trên máy bay, nó hồi hộp, mừng mà cũng xen chút lo, cảm giấc lâng lâng lưng chừng làm nó khó chịu. Nó những tưởng lòng đã cằn cỗi từ lâu.
Ba nó bỏ đi từ khi nào nó chẳng biết. Trong ký ức thời thơ, bạn bè chọc nó là đứa không cha. Vào tiểu học, lần đầu tiên nó nghe đến hai chữ "con hoang". Nó hỏi má con hoang là gì, má không trả lời mà nén tiếng thở dài nặng nhọc. Mười tuổi, nó hỏi về ba, má bảo ba đi làm xa, lâu lắm mới về, lâu lắm. Nó cứ chờ, nó muốn có ba và cũng muốn chứng tỏ với tụi bạn rằng má nó không hề đơn độc. Nhưng bằng một cách vô tình hay cố ý, nó dần nhận ra quanh mình đã chẳng có gì hiện hữu liên quan đến người đàn ông ấy. Thậm chí ngày má mất, nó ngơ ngác nhìn xung quanh, kiếm tìm giữa đám đông một người nào là lạ. Nhưng nhìn ai cũng quen cả, toàn là những người làng.
Nó lớn lên với nỗi lo mưu sinh đeo bám cả trong giấc ngủ vội. Từ khi má mất, nó dắt em đi mót ve chai từ mờ sáng đến tận cuối chiều. Mỗi ngày như thế, ít nhất nó cũng kiếm được hai nghìn đồng. Hôm nào được nhiều thì ba, bốn nghìn đồng. Nhưng cũng có hôm chỉ được vài trăm bạc lẻ, coi như bù qua bù lại mà nó và em đã có những bữa cơm no, không phải chịu cảnh đói khát, chỉ riêng một nỗi thiếu học. Cũng vì thiếu học mà em nó cầm nhầm phải bom, rồi trở về với má trong hình hài chẳng còn nguyên vẹn. Ngày tiễn em, nó không khóc. Nó chợt nghĩ về ba rồi bất giác cười nhạt, chẳng hiểu từ bao giờ nó đã chẳng còn khao khát về ba hay bất kỳ tình thương nào nữa.
Nó may mắn lọt vào mắt xanh của bà mai từ phố về, bà gả nó cho một ông Tây, chưa biết gì nhau nhưng nó cũng gật đầu. Nó theo người ta bước lên chiếc ôtô bạc màu mà cả đời nó chẳng dám mơ sẽ được chạm đến. Nó ngoái lại nhìn cái nhà xiêu vẹo với bốn tấm bạt rách bao quanh, qua bốn mùa nắng mưa te tua đến thảm, với xa xa là cánh đồng với bao mùa chát chua, mặn đắng. Khi thì hạn, khi thì ngập trắng, mỗi lần bão về là mỗi lần làng nó khóc than. Mất mùa, người lớn dắt trẻ nhỏ đi đào củ dại, ngắt ngọn thài lài hoang mà ăn cầm bữa... Nó nhìn lại những mất mát, nhìn lại cái nghèo một lần nữa rồi đi. Ở tuổi mười tám, nó bỏ lại làng, bỏ lại những trang ký ức xám tro mờ đục, bỏ cả hai nấm mồ còn xanh màu cỏ mới.
Nó đoạn đành bỏ, rồi cũng không biết bao lần đoạn đành nhớ. Nó chẳng thể chối bỏ được những mất mát ngay cả khi đã an yên trong một cuộc sống mới. Hình ảnh của má, của xóm giềng, luôn thường trực, nhắc nó thật nhiều về nghĩa tình ăn ở ngay cả trên đất khách. Nên nó quyết định về, không chỉ vì khao khát đặt chân lại miền quê, mà còn vì những thân thương nó đã trót phũ phàng.
Nó về, xây lại cho má và em nấm mồ kiên cố và xây thêm một căn nhà nhỏ để có chỗ cúng thờ. Xung quanh, nó sẽ trồng một hàng hoa giấy, nở đỏ bốn mùa. Nó về làng sẽ nhen lại nồi sắn luộc sùng sượng đăng đắng. Mùi của khói rạ pha lẫn mùi hăng, qua bao năm vẫn cứ nồng nàn.
Nó quệt tay lên mắt, nghĩ ngợi vội vàng, rồi vùi mình vào tấm chăn mỏng mà ngủ thiếp đi. Nó thấy mình mặc bộ đồ ba của má, bộ đồ nâu sẫm rách rưới, chẳng chịt mảnh vá. Xung quanh đầy lúa gạo, người làng nó cười tươi rộn ràng, nước mắt lẫn vào những giọt mồ hôi. Nó thấy cả đứa em trai, đi bên cạnh một người đàn ông lạ mặt. Đôi mắt ông ấy giống nó. Họ mỉm cười, vẫy tay chào và biến mất.
Lâu lắm rồi, nó mới được nhìn thấy những người thân yêu, những người làng. Nó không biết đã buồn hay vui, nhưng trong vô thức, nó thả nhẹ một nụ cười mãn nguyện. Nó đang đi. Để lại đằng sau là mảnh đất quanh năm ngập tràn tuyết, giá lạnh đóng băng cả tình người. Để lại những tháng ngày bên chồng nhưng vẫn không thôi đơn độc. Nó về với dải đất miền Trung giản dị và mộc mạc, với cái nghèo thường trực quanh năm nhưng thấm đẫm tình làng mà bấy lâu nó đã cố tình trốn chạy.
Làng của nó, bây giờ đã có nhiều đổi thay. Những con đường nhựa nối dài, những hàng cây rợp bóng thẳng tắp, những dãy nhà cao tầng và phố thị bắt nhịp cùng quá trình phát triển. Sẽ khó khăn để sớm tìm về được chốn xưa. Nhưng nó biết, làng của nó bây giờ cũng đang ngập tràn những mầm non xanh mởn.
Lê Thị Kim Ngân
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com