Tại buổi tọa đàm "Áp lực giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp" do Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hôm 13/12, các chuyên gia giáo dục nhận định cần nhanh chóng thay đổi phương pháp giảng dạy, cách tuyển sinh, đào tạo ở trường sư phạm nhằm tạo ra những giáo viên thực thụ, yêu nghề, từ đó giảm áp lực, hạn chế hành động đi ngược chuẩn mực nhà giáo.
![Thầy Nguyễn Đức Sơn. Ảnh: Dương Tâm](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/12/16/Thay-Son-Copy-JPEG-5512-1544945994.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=f9tvlNfvdY9ir1jFYU7K3Q)
Thầy Nguyễn Đức Sơn. Ảnh: Dương Tâm
Thầy Nguyễn Đức Sơn, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng hiện tuyển sinh sư phạm căn bản dựa trên kiến thức môn học mà chưa có cách thức để kiểm tra được sinh viên có định hướng nghề nghiệp đúng với ngành nghề họ đã chọn không.
Thầy Sơn lấy ví dụ ở một số nước như Mỹ, Anh, ngoài bảng điểm, các trường đều yêu cầu ứng viên phải viết một bài luận, trong đó có những câu hỏi như Vì sao lại lựa chọn ngành này? Vì sao lựa chọn trường này? Bài luận đó ít nhiều cũng là một kênh cho biết lý do học sinh chọn sư phạm.
"Tôi nghĩ chúng ta cần học tập. Đề án tuyển sinh của trường sư phạm nên có thêm kênh, công cụ nào đó về mặt tâm lý để tìm kiếm những sinh viên yêu nghề thật sự, có nguyện vọng và định hướng, giá trị với nghề", thầy Sơn nói.
Không chỉ tuyển sinh, về phương pháp đào tạo trong các trường sư phạm cũng cần thay đổi, trong đó đẩy mạnh thực tập, thực hành. Theo thầy Sơn, các trường sư phạm đều có những bài giảng về đạo đức, phẩm chất người giáo viên. Tuy nhiên, việc giáo dục đạo đức không chỉ đơn thuần là ngồi giảng đường nghe giảng và thuộc bài mà nó phải được dạy thông qua các trải nghiệm.
Thầy Sơn cho rằng có xuống dạy ở các trường tiểu học, trung học, gặp phải những học sinh hỗn thì sinh viên sư phạm mới biết mình thực sự cần làm thế nào. Vì vậy, các em cần được trải nghiệm càng nhiều càng tốt để linh hoạt hơn trong xử lý tình huống và giữ đúng phẩm chất, chuẩn mực nghề giáo.
Giảng viên tâm lý giáo dục cũng nhận định hiện chương trình đào tạo của các trường sư phạm chưa giúp giáo viên có khả năng đề kháng, chống chịu áp lực. Nhiều trường học có đào tạo kỹ năng mềm nhưng còn lẻ tẻ. "Nên chăng, phải có chương trình giúp sinh viên học được cách kiểm soát, chuyển hóa cảm xúc, giải quyết vấn đề", thầy Sơn nói và đề xuất thêm tổ tham vấn tâm lý học đường cần hỗ trợ cho giáo viên, giúp giáo viên xử lý khi có khủng hoảng xảy ra.
![Thầy Nguyễn Văn Hòa. Ảnh: Dương Tâm](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/12/16/thay-Hoa-1759-1544945994.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GhSvFOEtxycWZA4-2DgW_w)
Thầy Nguyễn Văn Hòa. Ảnh: Dương Tâm
Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy), cho rằng các đại học sư phạm phải xác định lại mục tiêu đào tạo giáo viên. Hiện, các trường đào tạo những người dạy theo sách giáo khoa, truyền thụ kiến thức. Như vậy là quá đơn giản. Mục tiêu của trường sư phạm bây giờ phải là đào tạo ra những người thầy thực sự, có thể truyền cảm hứng cho học sinh, có sức đề kháng và quan điểm vững vàng để vượt qua áp lực.
Thầy giáo này cũng kiến nghị các trường sư phạm cần có chương trình đào tạo hiệu trưởng bởi hiệu trưởng chính là người tạo ra những chuyển biến, làm thay đổi giáo viên và học sinh. "Hiệu trưởng phải là thầy chứ không phải anh, chị hiệu trưởng. Họ phải hơn giáo viên một cái đầu. Có như vậy, bài toán đào tạo giáo viên mới được giải quyết", thầy Hòa nói.
Cũng ủng hộ việc mở chương trình đào tạo hiệu trưởng nhưng cô Lệ Thu, chuyên gia về tâm lý học ứng dụng, nhận định các giảng viên sư phạm cả nước cũng cần đào tạo lại theo hướng đổi mới, cập nhật. Cô Thu khẳng định giảng viên sư phạm là người trực tiếp đào tạo giáo viên cho mọi cấp bậc. Nếu đội ngũ này không ổn thì không thể tạo ra nguồn đầu ra ổn được.
Bên cạnh đó, cô Thu mong muốn các trường sư phạm mở nhiều khóa tập huấn hơn. Tuy nhiên, nó không đơn thuần là những khóa hình thức mà phải được kết hợp với nhiều cơ quan đoàn thể, phải thực chất, cập nhật để sinh viên tích lũy được kiến thức, kỹ năng thực tế nhất định, góp phần giúp họ yêu nghề hơn và giảm thiểu những áp lực nghề nghiệp trong tương lai.