Sáng 24/2, 488 thí sinh thuộc 69 đội tuyển đã làm bài thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Văn. Đề thi gồm một câu nghị luận xã hội, giá trị 8 điểm, một câu nghị luận văn học 12 điểm; thời gian làm bài 180 phút.
![Đề Văn thi học sinh giỏi quốc gia](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/02/24/91b2f4967464ae3af775-2135-1677227792.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DoioC4rb09V_ytVFWGfJuw)
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, giáo viên Ngữ văn, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên, đánh giá đề thi có cấu trúc quen thuộc, được duy trì nhiều năm qua.
Phần nghị luận xã hội dẫn lại câu "Hữu xã tự nhiên hương" của người xưa, yêu cầu bàn về việc xây dựng hình ảnh bản thân trong cuộc sống hiện nay. Thầy Minh đánh giá đây là vấn đề thiết thực, có ý nghĩa xã hội, nhất là khi tình trạng khoe mẽ, đánh bóng bản thân đang tràn lan.
Câu nghị luận văn học yêu cầu bàn về nhận định "Viết văn, cũng chừng ấy kí tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình.Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình". Theo thầy Minh, vấn đề lý luận này quen thuộc, phù hợp với học sinh giỏi văn ở kỳ thi mang tầm quốc gia.
"Đề rõ ràng, chuẩn xác, chỉn chu, an toàn, nhưng không có gì mới, cũng không có thay đổi nào mang tính đột phá", thầy Minh nói và cho rằng với cách hỏi của đề, bài làm của học sinh cũng sẽ quanh quẩn làm sao để khẳng định vấn đề ấy đúng, thuyết phục, mà khó có cơ hội trình bày quan điểm riêng, nói ngược hay suy nghĩ khác.
Đồng quan điểm, TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên hệ thống giáo dục Hocmai, cho rằng đề thi quốc gia môn Văn an toàn, quen thuộc, vấn đề được yêu cầu chứng minh có tính hiển nhiên, chẳng hạn "có hương thì tự sẽ thơm". Do đó, theo cô Tuyết, đề Văn năm nay chưa hấp dẫn, vì thiếu vấn đề để học sinh suy nghĩ, phản biện và chứng minh.
![Thí sinh đến điểm thi trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hoá) làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT, tháng 7/2022. Ảnh: Lê Hoàng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/02/24/thi-sinh-Thanh-Hoa-2805-165709-3579-3039-1677227792.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=f0Idw-PrmZ_B4wPy_ALaxA)
Thí sinh đến điểm thi trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hoá) làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT, tháng 7/2022. Ảnh: Lê Hoàng
Cũng cho rằng không khó để nhận ra sự quen thuộc của đề thi, nhưng thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm TP HCM, nhận định đề vẫn có khả năng phân hóa tốt thí sinh.
Thầy Khôi cho rằng câu nghị luận xã hội đã quen, dễ hiểu, nhưng rút ra bài học gắn với việc xây dựng hình ảnh bản thân không dễ. "Đây là nội dung phân hóa của đề thi, làm rõ được khả năng thấu cảm hiện thực để soi chiếu bản thân của học sinh", thầy Khôi nói.
Với câu nghị luận văn học, thầy Khôi đánh giá vấn đề không mới, nhưng yêu cầu bàn về mối quan hệ giữa hiện thực - tác giả - tác phẩm - người đọc không đơn giản. Đề bài có khả năng khơi gợi, nên bài làm của học sinh cũng phải có lượng kiến thức lớn, chiều sâu và dấu ấn cá nhân.
"Xét khả năng chọn học sinh giỏi Văn quốc gia, đề thi vẫn làm được", thầy nói.
Còn thầy Nguyên Minh cho biết vẫn đang chờ đợi những đề thi có khả năng gợi mở đối thoại, tranh luận, tạo điều kiện tối đa để học sinh tự do thể hiện cái nhìn, quan điểm thực sự.
Ngày 24/2, hơn 4.500 thí sinh thi học sinh giỏi quốc gia tại 12 môn gồm Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Trung.
Những học sinh đạt giải được cấp giấy chứng nhận, được ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng. Ngoài ra, các em được nhận tiền thưởng theo chính sách của các địa phương, dao động 10-50 triệu đồng, tùy thành tích.
Thanh Hằng