Gần 94.000 thí sinh kết thúc hai ngày thi vào lớp 10 công lập với ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ (chủ yếu thi Tiếng Anh).
Đề Ngữ văn có ba câu hỏi theo chủ đề "Bức thông điệp của thời gian", được nhiều học sinh nhận xét nhẹ nhàng, vừa sức nhưng nhiều giáo viên cho rằng khó lấy điểm cao.
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên THCS Nguyễn Du (quận 1) nhận định, đề có cấu trúc giống các năm trước, quen thuộc với học sinh. Đề bài không yêu cầu thí sinh phải học thuộc lòng, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực.
Ở câu 1, yêu cầu đề bài rõ ràng, học sinh trung bình, yếu cũng có thể làm được. Câu hỏi này phù hợp với phần lớn học sinh sau khi trải qua một năm học khó khăn vì Covid-19. Nội dung của đề nhân văn, có tính giáo dục cao, học sinh được thể hiện quan điểm, suy nghĩ cá nhân. Câu 2 là dạng đề gần gũi và từng xuất hiện trong các kỳ thi trước. Câu hỏi này yêu cầu học sinh nhìn nhận, đánh giá vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau.
Câu 3 có hai lựa chọn. Với lựa chọn câu hỏi về bài thơ Sang thu, đa số học sinh sẽ hứng khởi bởi tác phẩm này nằm trong chương trình học kỳ II. Nội dung bài học được dạy trực tiếp, vừa ôn thi cuối kỳ nên phần lớn học sinh sẽ nắm chắc.
"Tuy nhiên, yêu cầu liên hệ trong câu hỏi không dễ. Học sinh phải nắm chắc nội dung cơ bản của từng tác phẩm, chọn tác phẩm để liên hệ", thầy Bảo cho biết. Với lựa chọn thứ hai, học sinh cần có trải nghiệm đọc tác phẩm tốt. Theo thầy Bảo, phổ điểm trung bình của môn Văn là 6-7, tương đương nhiều năm.
![Nhóm thí sinh tại điểm thi THCS Trường Thọ, TP Thủ Đức tranh luận sau giờ thi môn Toán. Ảnh: Mạnh Tùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/06/24/thi-sinh-2-1931-1655030537-7439-1656037081.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MD2lJnoPssgBosTAfmRUKQ)
Nhóm thí sinh tại điểm thi THCS Trường Thọ, TP Thủ Đức tranh luận sau giờ thi môn Toán. Ảnh: Mạnh Tùng
Với môn Toán, nhiều giáo viên đánh giá độ khó tương đương với đề thi năm 2019, 2020. Cấu trúc và các dạng toán trong đề quen thuộc. Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên THPT Nguyễn Du cho biết, 50% điểm trong đề thi là thuộc kiến thức giáo khoa, còn lại là kiến thức thực tế.
Trong tám câu hỏi, đa số thí sinh có thể làm được từ câu 1-4. Từ câu 5 và câu số 6, mức độ khó được nâng cao thêm. Sự phân hóa của đề thi nằm ở câu số 7 và câu 8. Thầy Chính cho rằng, phổ điểm chung của thí sinh sẽ ở mức 6-6,5 điểm.
Thầy Đặng Hữu Trí, giáo viên Toán, THCS Nguyễn Du, cấu trúc đề Toán giống mọi năm nhưng độ khó để phân loại được gia giảm hợp lý. Các bài nhìn chung đều là những dạng quen thuộc có thể đã được các thầy cô ở trường cho ôn tập.
Về phổ điểm, học sinh ở mức độ trung bình có thể lấy 5-6 điểm; học lực khá 6,5-7,5; học lực giỏi 8,5-9,5. Khả năng điểm 10 nhiều hơn mọi năm.
Cấu trúc đề thi quen thuộc cũng là nhận xét của nhiều giáo viên với môn Tiếng Anh. Ngoài phần ngữ âm (câu 1-4) lần đầu được đưa vào đề năm nay, cấu trúc câu hỏi tương tự những năm gần đây. Do thời gian làm bài tăng từ 60 lên 90 phút nên số lượng câu hỏi tăng lên 40.
Theo thầy Đặng Thanh Huân, giáo viên THPT Nguyễn Hữu Thọ, học sinh trung bình và trung bình khá hầu như không làm được phần wordform (câu 29- 34) và viết lại câu (câu 36- 40). Đây là những câu hỏi mang tính phân hóa. Theo thầy Huân, sẽ khó có "mưa điểm 10" trong năm nay ở môn Tiếng Anh, phổ điểm tập trung vào khoảng 5.
Cô Trịnh Thanh Quyên, THPT Nguyễn Du cũng đánh giá, đề Tiếng Anh năm nay có tính phân loại cao. Nội dung kiến thức khoảng 5 điểm dạng nhận biết, 2 điểm dạng thông hiểu, 3 điểm dạng vận dụng và vận dụng cao. Thí sinh cần nắm vững nhiều kiến thức, có vốn từ phong phú để xử lý những câu hỏi lắt léo, phân biệt các chi tiết trong bài đọc; đọc kỹ đề bài bởi nhiều câu gây nhầm lẫn.
"Mức độ khó của đề năm nay cũng tương đương với năm 2020 và các năm trở về trước. Dự đoán, phổ điểm chung sẽ rơi vào khoảng từ 5 tới 6", cô Quyên nói.
![Thí sinh tại điểm thi THPT Bùi Thị Xuân trước giờ thi Ngữ văn, sáng 11/6. Ảnh: Mạnh Tùng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/06/24/thi-sinh-2-5642-1655030537-5688-1656037082.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=W6Ske1Lw7Ibpcb2Hz-HFkw)
Thí sinh tại điểm thi THPT Bùi Thị Xuân trước giờ thi Ngữ văn, sáng 11/6. Ảnh: Mạnh Tùng
Với mặt bằng chung của đề thi năm nay, so sánh với năm 2020 và nhiều năm trước, nhiều hiệu trưởng, giáo viên THPT nhận định, phổ điểm tập trung mức 18-20. Ở mức điểm này, thí sinh đạt trung bình 6-7 điểm/môn thi.
So với điểm chuẩn năm 2020 (tính theo trung bình môn thi), điểm chuẩn biến động không đáng kể hoặc giảm 1-1,5 điểm.
Trong 114 trường công lập, khoảng 20 trường top trên có thể lấy điểm chuẩn 21-24; tức thí sinh đạt trung bình 7-8 điểm/môn thi. Đây là mức điểm tương ứng với điểm chuẩn trường top trên giai đoạn 2015-2022 là 35-40 điểm (Toán, Văn nhân hệ số 2).
Nhóm top giữa, điểm chuẩn phổ biến 15-18, tức thí sinh đạt 5-6 điểm. Nhóm này thường chiếm 50-60% tổng số trường THPT. Cuối cùng, khoảng 10 trường THPT ở ngoại thành có thể lấy điểm dưới 15, thí sinh đạt 4,5-5 điểm có thể đậu.
Theo Phan Thế Hoài, giáo viên THPT Bình Hưng Hòa dự báo, nhóm trường top trên không nhiều biến động; trường top giữa có thể giảm khoảng một điểm.
"Học sinh bị ảnh hưởng khi phải học online dài ngày nên mặt bằng chung phần nào bị ảnh hưởng. Ngoài ra, đề Ngữ văn và Tiếng Anh năm nay được đánh giá có sự phân hoá tốt", thầy Hoài giải thích.
Thầy Lâm Vũ Công Chính cũng cho rằng, điểm chuẩn năm nay sẽ giảm từ 1 -1,5 điểm vì đề các môn có tính phân hóa tốt. Dù độ khó tương đương các năm, kết quả thi bị ảnh hưởng do thời gian học online kéo dài.