Trong công văn gửi các Bộ: Giáo dục Đào tạo, Công thương, Thông tin Truyền thông và Công an, ngày 5/5, Bộ Y tế nhìn nhận những năm gần đây, Việt Nam xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha.
Các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên mạng internet. Bên cạnh đó, do được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng, hương vị hấp dẫn, những loại thuốc này thu hút giới trẻ, khiến việc sử dụng có xu hướng tăng nhanh.
"Nguy hiểm nhất là các chất kích thích, ma túy mới núp bóng thuốc lá điện tử, khiến người dùng rất dễ ngộ độc, nguy hiểm tính mạng", Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn nói.
Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15 -17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 -15 là 3,5%.
WHO cũng cho biết hiện có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó rất nhiều hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.
Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol, có thể tạo thành chất propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi.
![Các loại thuốc lá điện tử thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt, thu hút giới trẻ. Ảnh:Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/05/05/1-2220-1683260383.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eGQ5lwz1BWIDWI3Rqf5ORw)
Các loại thuốc lá điện tử thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt, thu hút giới trẻ. Ảnh:Bệnh viện cung cấp
Thực tế gần đây cho thấy nhiều học sinh phải cấp cứu vì ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong sản phẩm thuốc lá này. Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn có nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.
Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các Bộ liên quan tăng cường truyền thông và ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Trước đó, Bộ Y tế đã nhiều lần đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Các chuyên gia cho rằng hiện Việt Nam chưa có thị trường thuốc lá điện tử, chủ yếu là buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và qua mạng. Do đó, sẽ rất khả thi nếu ban hành quy định cấm trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường.
Lê Nga