![]() |
Sản phẩm phân bón của Công ty su-pe phốt phát và hóa chất Lâm Thao |
Tổng giám đốc Đỗ Duy Phi cho biết, hạn hán vào những tháng đầu năm khiến mức tiêu thụ phân bón cả nước giảm mạnh. Trong khi đó, phân NPK nhập khẩu về nhiều, bán rẻ đã làm các nhà sản xuất trong nước không bán được hàng. Giá nhập phân NPK là 125 USD/tấn, còn giá phân trong nước lên tới 140- 142 USD/tấn.
Theo ông Phi, nguyên nhân khiến giá phân bón trong nước vẫn còn chênh lệch lớn so với phân bón ngoại nhập là do chi phí sản xuất ở ta hiện còn quá cao. Nhiều doanh nghiệp riêng chi phí điện, nước, than, vận chuyển đã chiếm 80-90% giá thành. Hơn nữa, theo phản ánh của một số doanh nghiệp thành viên, phân bón NPK nhập lậu từ Trung Quốc tràn sang đang khiến sản xuất trong nước những tháng đầu năm phải lao đao.
Ngoài việc tăng thuế nhập khẩu phân bón, Tổng công ty cũng đã đưa ra một loạt đề nghị như: Nhà nước giải quyết hỗ trợ phần lãi suất các khoản vay phục vụ việc dự trữ phân bón cho thời vụ để giải quyết một phần khó khăn về vốn sản xuất; cho doanh nghiệp vay vốn lưu động với hạn mức đủ cho nhu cầu sản xuất và thời hạn vay tính theo chu kỳ sản xuất; giảm thuế giá trị gia tăng với các sản phẩm phân bón, tạo điều kiện cho nông dân giảm chi phí... Đây là những đề nghị mà Tổng công ty hóa chất đã đưa ra trong nhiều năm qua nhưng đều chưa được xem xét giải quyết.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá lại vừa có thông báo, có thể ngay trong năm nay bộ sẽ điều chỉnh, tiếp tục hạ thuế nhập khẩu đối với phân bón để góp phần giảm chi phí hạ giá thành nông sản. Như vậy có nghĩa là, phân bón sản xuất trong nước khó có thể thoát khỏi tình trạng khó khăn đã diễn ra trong 6 tháng qua.
T.H.