Thầy yêu cầu không được tra cứu, sử dụng tài liệu trôi nổi trên Internet mà phải đọc sách trong thư viện lớn của trường, nếu thiếu có thể mượn tại thư viện địa phương.
Sau một tháng, con nộp bài viết và thuyết trình cho thầy nghe.
Con tôi đã phải đọc sách báo từ nhiều nguồn, tham khảo ý kiến của cả những "nhân chứng sống", suy ngẫm và đưa ra quan điểm cá nhân trước những giải thích mâu thuẫn từ nhiều phía.
Đó là cách thầy dạy lịch sử cho con tôi, khi nó chỉ là đứa trẻ vừa vào trung học. Lúc đó thầy đã có bằng thạc sĩ sử học và đang tiếp tục học lên tiến sĩ. Thỉnh thoảng, thầy cho phép học trò của mình vào lớp tiến sĩ của thầy, nghe giảng một buổi, để biết ở bậc nghiên cứu sinh lịch sử, người ta học cái gì.
Sau khi hoàn thành trung học, con tôi theo học kỹ sư, tức không theo ngành khoa học xã hội. Nhưng các nội dung lịch sử vẫn có trong ít nhất hai năm đại cương. Điều quan trọng là con yêu thích lịch sử một cách tự nhiên, và học được phương pháp tư duy, phân tích trên cơ sở dữ kiện, bối cảnh nhờ hướng dẫn của thầy.
Quan sát bài tập của con, tôi thấy rất thú vị nên đã tự tìm hiểu thêm và nhận ra, những yêu cầu như vậy xuất phát từ định hướng giảng dạy của các trường ở Mỹ - dạy sử theo chiều hướng dạy tư duy lịch sử, chứ không dừng lại ở sự kiện và dữ liệu rời rạc. Vì thế, lịch sử là môn cần đọc và nghiên cứu rất nhiều, không phải chỉ chép và học thuộc lòng.
Tất nhiên các con vẫn được học về các sự kiện hay nhân vật lịch sử. Nhưng những bài học riêng lẻ này chỉ như là gạo. Để nấu thành cơm, các con được hướng dẫn về phương pháp và tự thực hành tư duy. Chẳng hạn, với một sự kiện lịch sử, bài học nào còn nguyên giá trị, bài học nào chỉ đúng trong bối cảnh cũ và đã lạc hậu so với ngày nay. Tại sao có những giá trị là bất biến và có những điều chỉ đúng nhất thời?
Quá trình thảo luận và phân tích như vậy sẽ cho thấy tác động của lịch sử với nhận thức con người thời đó và thời nay, sự tiến bộ và lạc hậu, đồng thời tạo không gian cho học trò chia sẻ góc nhìn, quan điểm riêng.
Kế đó, các con tìm hiểu đâu là nguyên nhân của những sự kiện đã xảy ra? Thường không có một đáp án duy nhất đúng. Mỗi phía của lịch sử sẽ có cách giải thích khác nhau. Việc của học trò là nắm rõ lập trường các bên và thể hiện quan điểm, đánh giá của mình. Đúng sai không phải là điều quan trọng nhất.
Bước thứ ba là so sánh. Các con cần so sánh điểm tương đồng và khác biệt trong các sự kiện tương tự, ở trong nước hay quốc tế, để có thể rút ra quy luật (nếu có) nào đó của quá trình phát triển.
Bước thứ tư, các con được hướng dẫn xem xét kỹ bối cảnh lịch sử. Bối cảnh đó sẽ làm cho sự kiện bị tác động thế nào?
Bước thứ năm, học sinh rút ra ý nghĩa lịch sử của các sự kiện. Vì sao chúng lại đáng ghi nhớ?
Cuối cùng, các em sẽ chia sẻ xem mình có sự đồng cảm gì với sự kiện, nhân vật, bối cảnh lịch sử đó hay không - tức là góc nhìn của một người hiện đại với các vấn đề quá khứ.
Một thầy giáo dạy sử cấp ba, cũng là nhà văn nổi tiếng ở bang California từng nói: "Kỹ năng tư duy lịch sử cực kỳ hữu ích trong việc xử lý các vấn đề của cuộc sống hàng ngày - từ việc tiếp nhận một tin tức, đến xử sự ở nơi làm việc, hay trong các mối quan hệ khác. Học cách suy nghĩ về lịch sử không chỉ giúp tôi trở thành nhà phân tích hay nhà văn tốt hơn mà còn khiến tôi trở thành người cha, người chồng và người hàng xóm tốt hơn".
Thầy cũng nói khi được rèn luyện kỹ năng tư duy lịch sử, học sinh có thể tự tin tham gia thảo luận các vấn đề phức tạp, nhưng đồng thời lại biết khiêm tốn, vì đã rõ những giới hạn hiểu biết của con người về quá khứ. Các con biết đánh giá mọi việc dựa vào bằng chứng thay vì cảm xúc, biết tôn trọng quan điểm, kể cả trái chiều, của người khác.
Lịch sử là môn học thú vị và thiết yếu mà học sinh ở bất cứ quốc gia nào cũng cần học bài bản, để có hiểu biết về xã hội và cuộc sống một cách toàn diện. Những cuộc tranh luận như: nên dạy sử đến bậc nào, bắt buộc hay tự chọn, học bao nhiêu là đủ, hay học sử có hay không liên quan đến yêu nước... vì vậy không phải là vấn đề cốt yếu.
Tất cả những điều người lớn cho là đúng đắn, khoa học và hợp lý về môn sử đều có thể trở nên vô ích nếu bọn trẻ vẫn cảm thấy sử chỉ là môn "thuộc lòng các quan điểm cứng nhắc, qua những dữ kiện rời rạc".
Nguyễn Anh Thi