Năm 1912, người dân của thị trấn nhỏ thuộc quận Wichita, bang Texas (Mỹ) tìm thấy giếng dầu lớn. Chỉ qua một đêm, hàng nghìn người dân địa phương bỗng chốc trở thành triệu phú vì nắm quyền khai thác khoáng sản trong tay.
![Một thị trấn mới nổi nhờ phát hiện giếng dầu tại bang Texas vào thập niên 1910. Ảnh: Aoghs.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/10/19/0-3738-1571475235.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JDEOaj5YUKDl7ByUcLzErA)
Thị trấn giàu lên nhờ phát hiện giếng dầu tại bang Texas vào thập niên 1910. Ảnh: Aoghs.
Sau khi tin về giếng dầu lan truyền rộng rãi, dân số quận Wichita gần như gấp đôi vì phải đón nhận thêm 20.000 người tới đây tìm cơ hội đổi đời. Cơ sở hạ tầng theo đó cũng cần gấp rút được xây dựng để đáp ứng nhu cầu.
Do quận Wichita chỉ có một "tòa nhà" văn phòng có một tầng với diện tích chỉ đủ kê 6 cái bàn cho từng đó công ty, nhiều cuộc giao dịch quyền khai thác khoáng sản phải được thực hiện ngay dưới những mái lều dựng lên tạm bợ bên góc phố.
Nắm bắt cơ hội này, J.D. McMahon – giám đốc công ty xây dựng giàn khoan dầu ở quận Wichita, một trong 6 công ty đặt bàn làm việc tại tòa nhà văn phòng cũ – tuyên bố kêu gọi vốn vào năm 1919 để xây dựng tòa nhà cao tầng mới bên cạnh văn phòng làm việc hiện tại.
Theo bản thiết kế McMahon đưa ra, nhà đầu tư thấy rằng tòa nhà mới sẽ có chiều cao 480 foot (khoảng 150 m), có thể đáp ứng nhu cầu thuê văn phòng làm việc của cả địa phương nên mọi người nhanh chóng phê duyệt bản thiết kế và góp được 200.000 USD (tương đương ba triệu USD vào năm 2018) giao cho McMahon.
Để tiết kiệm chi phí, McMahon sử dụng nhân công của công ty mình để thi công. Tới gần cuối năm 1919, tòa nhà gần thành hình.
Tới lúc ấy, nhà đầu tư mới nhận ra tòa nhà sắp xây sẽ chỉ có bốn tầng và cao khoảng 40 foot (12 m), dài 18 foot (5,5 m), rộng 10 foot (3 m). Thì ra, khi xem bản thiết kế, nhà đầu tư đã nhìn nhầm dấu nháy kép (ký hiệu là ", chỉ đơn vị đo chiều dài "inch", 1 inch bằng 2,54 cm) thành dấu nháy đơn (ký hiệu là ’, chỉ đơn vị đo chiều dài "foot", 1 foot bằng 30,48 cm). Như vậy, chiều cao của tòa nhà "cao tầng" theo bản thiết kế ban đầu là 480 inch (tương đương 12 m), thay vì 480 foot (150 m) như nhà đầu tư nhầm tưởng.
![Tòa nhà cao tầng mới xây chỉ cao bốn tầng, tổng 12 m. Ảnh: Travis K. Witt/Wikimedia.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/10/19/1-JPG-1472-1571475236.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8xH0ssSP5EzbC60bIp_3lQ)
Tòa nhà "cao tầng" mới xây chỉ cao bốn tầng, tổng 12 m. Ảnh: Travis K. Witt/Wikimedia.
Cho rằng bị lừa, tập thể nhà đầu tư đệ đơn khởi kiện ra tòa. Tại đây, McMahon lập luận rằng chưa bao giờ nói chiều cao thực tế của tòa nhà sẽ là 480 foot, trong khi bản thiết kế do nhà đầu tư duyệt nói rõ tòa nhà sẽ cao 480 inch. Tòa án đồng ý với lập luận của McMahon và tuyên án hợp đồng giữa hai bên vẫn có hiệu lực ràng buộc.
Tòa nhà xây xong cũng là lúc McMahon ôm tiền cao chạy xa bay. Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn nhận lại được một ít tiền từ công ty nhận lắp đặt thang máy sau khi công ty này biết chuyện và phá hợp đồng với McMahon.
Nhưng cũng vì vậy, người dân không có cách tiếp cận tầng hai trở lên của tòa nhà bốn tầng vì bản thiết kế của McMahon không có cầu thang mà chỉ có thang máy. Họ buộc phải dựng thang tạm bên ngoài tòa nhà cho tới khi thang bộ được xây bên trong, chiếm mất 1/4 diện tích tầng một.
Dù được coi là nỗi xấu hổ của người dân địa phương, tòa nhà 480 inch này vẫn được đưa vào hoạt động. Diện tích tầng một đủ rộng để kê 6 chiếc bàn đại diện cho 6 công ty ban đầu, nhưng trong suốt thập niên 1920 tiếp theo, chỉ có hai công ty làm việc ở đây.
Khi cơn sốt dầu ở quận Wichita cạn dần, tòa nhà 480 inch bị bỏ hoang trong nhiều năm nhưng vẫn đứng vững qua lốc xoáy, hỏa hoạn, và hàng thập kỷ bị bỏ mặc. Dần dần, tòa nhà này và sự tích về nó được người dân đón nhận và giữ lại như biểu tượng của một thời đại đã qua, của lòng tham và lòng cả tin của con người bang Texas thời kỳ trước.
![Tòa nhà 480 inch được xây bên cạnh căn nhà một tầng được dùng làm văn phòng làm việc ban đầu. Ảnh: Michael Barera/Wikimedia.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/10/19/2-1311-1571475236.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pkBoNWJQOixRB905HKwqkg)
Tòa nhà 480 inch được xây bên cạnh căn nhà một tầng được dùng làm văn phòng làm việc ban đầu. Ảnh: Michael Barera/Wikimedia.
Sau khi người dân dành ra hơn 200.000 USD để trùng tu, tòa nhà 480 inch này được đặt tên tòa nhà Newby-McMahon, nhưng nó còn có biệt danh là "Tòa nhà chọc trời nhỏ nhất thế giới", trở thành di tích lịch sử cấp tiểu bang và cấp quốc gia.
Hiện, nơi đây vừa là địa điểm thu hút khách du lịch vừa là cửa hàng bán đồ nội thất cổ và đồ ký gửi.
Quốc Đạt (Theo Times Record News, Atlas Obscura)