Đầu tháng 3, một doanh nghiệp bất động sản tại Bình Dương ra mắt giỏ hàng 250 nền đất, trong dự án quy mô 40 ha thuộc huyện Phú Giáo. Để thu hút khách mua, chủ đầu tư áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi như tặng vàng, ôtô, xe máy, chiết khấu từ 10-15%... nhưng đến nay mới có 30 nền được khách xuống cọc. Sức mua yếu hơn dự kiến khiến chủ đầu tư phải dừng kế hoạch mở bán, xây dựng lại chính sách bán hàng.
Còn tại Đồng Nai, chị Ngọc Anh, quản lý kinh doanh tại một sàn giao dịch ở Biên Hòa, cho biết đang phân phối ba dự án đất nền tại Long Thành, Nhơn Trạch, nhưng đều trong tình trạng tiêu thụ chậm. Để kích cầu, chủ đầu tư tăng mức chiết khấu lên 15-20%, tặng tiền mặt, vàng cho khách hàng đặt mua sớm, thanh toán nhanh, tuy nhiên lực mua vẫn thấp.
"Nhiều đợt mở bán chỉ có vài khách tham dự, thậm chí không phát sinh giao dịch nào", chị nói.
Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp môi giới tại huyện Cần Giuộc, Long An cho hay tình trạng giao dịch những tháng qua rất ảm đạm. Công ty ông mở bán 1.200 sản phẩm đất nền, nhưng từ cuối năm 2024 đến nay mới tiêu thụ được khoảng 100 nền.

Thị trường bất động sản TP HCM với đất nền, nhà phố, tháng 4/2025. Ảnh: Quỳnh Trần
Giao dịch ế ẩm, doanh số bán hàng thấp hơn kỳ vọng khiến nhiều chủ đầu tư đất nền phải tạm dừng mở bán, tiết giảm chi phí vận hành.
Báo cáo thị trường bất động sản TP HCM và vùng phụ cận của DKRA Group, cho thấy trong quý I, khu vực phía Nam có 102 dự án với hơn 6.530 nền đất được chào bán sơ cấp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ chỉ đạt 430 nền, tương đương tỷ lệ hấp thụ 6,6%. Mặc dù cải thiện hơn so với quý I/2024 (74 nền), con số này vẫn rất thấp so với phân khúc từng được mệnh danh là kênh đầu tư "vua" của thị trường.
Dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Bất động sản Dat Xanh Services cũng ghi nhận, quý I, toàn miền Nam có hơn 20.000 sản phẩm nhà đất mở bán, trong đó đất nền chiếm 21%, tương đương 4.200 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ dao động 10-15%, với khoảng 600 sản phẩm bán thành công. Đáng chú ý, các dự án ghi nhận thanh khoản tích cực chủ yếu tập trung tại khu vực Tây Nam Bộ, trong khi TP HCM và các đô thị vệ tinh ghi nhận sức mua yếu.
Lý giải tình trạng thanh khoản kém của thị trường đất nền, ông Đoàn Quốc Duyệt, Giám đốc Công ty bất động sản Tín Thành, nhận định thị trường đất nền hiện đã "đứt" hẳn dòng tiền từ giới đầu tư và đầu cơ, trong khi nhu cầu ở thực với sản phẩm này rất thấp do đặc thù không thể sử dụng ngay.
Theo ông Duyệt, sau những đợt siết tín dụng, lãi suất và giá đất tăng cao cùng tình trạng 'tắc" thanh khoản từ 2022 khiến giới đầu tư chuyển từ thế "công" sang "phòng thủ". Đất nền, phân khúc vốn không tạo ra dòng tiền và tiềm ẩn rủi ro chôn vốn lớn, bị đưa vào danh mục đầu tư kém hấp dẫn. Lực cầu từ đầu cơ đất nền suy yếu kéo theo thanh khoản phân khúc này lao dốc.
Đồng tình, ông Lưu Quang Tiến, Phó viện trưởng Datxanh Services, cho rằng thị trường đầu tư nói chung và phân khúc bất động sản nói riêng đều đang chịu tác động mạnh từ việc Mỹ áp dụng chính sách thuế đối ứng ở mức cao đối với Việt Nam. Tâm lý nhà đầu tư bất động sản từ mới chớm phục hồi đã lại quay về vùng thận trọng. Điều này khiến các phân khúc nặng tính đầu tư như biệt thự, nhà phố thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng và đất nền cùng chịu tác động chung về thanh khoản.
Theo ông Tiến, nhà đầu tư bất động sản có tâm lý chờ đợi kết quả đàm phán và mức thuế quan chính thức được áp dụng. Điều này kéo theo các tháng tới đây, nhu cầu mua nhà đất vẫn rơi vào loại hình phục vụ ở thực; với đất nền và những sản phẩm thuần đầu tư sẽ khó có tăng trưởng tích cực về thanh khoản trong ngắn hạn.
Nói về triển vọng phục hồi của đất nền, ông Đoàn Quốc Duyệt nhìn nhận các chính sách bán hàng ưu đãi chưa đủ mạnh để kích thích làn sóng đầu tư mới. Muốn thị trường đất nền vùng ven hồi phục, cần đồng thời có sự cải thiện ở nhiều yếu tố như chính sách tín dụng nới lỏng, hạ tầng được đẩy nhanh tiến độ, pháp lý rõ ràng và đặc biệt là lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Giới chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường đất nền phía Nam có thể đón thêm khoảng 3.000-5.000 sản phẩm mở bán mới. Dù nguồn cung dồi dào, sức cầu sẽ chưa thể hồi phục ngay, sớm nhất phải đến quý IV khi các tỉnh, thành công bố bảng giá đất mới.
Phương Uyên