Những cuộc triển lãm về chocolate được tổ chức ở Trung Quốc cho thấy các nhà bán bánh kẹo rất muốn tiếp cận với thị trường lớn nhất thế giới này. Giới giàu Trung Quốc đã bắt nhịp rất nhanh với xu hướng toàn cầu, từ cà phê cho đến các bộ phim điện ảnh Hollywood, điện thoại thông minh. Quốc gia này trở thành thị trường lớn nhất thế giới về sức tiêu thụ hàng hóa từ bia cho đến xe hơi.
![]() |
Lâu đài được làm bằng chocolate tại một cuộc triển lãm về chocolate ở Thượng Hải. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, khi nói đến chocolate, người dân Trung Quốc ít quan tâm hay quen thuộc. Mức tiêu thụ đồ ngọt trung bình của người dân khoảng 100g trong một năm, tương đương hai thanh kẹo chocolate Snickers.
Nếu so sánh với quốc gia khác, người Nhật ăn chocolate nhiều hơn gấp 11 lần, người Mỹ gấp 44 lần và Đức gấp 82 lần so với người Trung Quốc, theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor báo cáo hồi tháng 11.
"Thị trường chocolate ở Trung Quốc hiện trong giai đoạn chập chững, dù nó đã tồn tại 30 năm sau khi quốc gia này mở cửa với thế giới", Lawrence Allen, chuyên gia của lĩnh vực này nhận định. Ông còn cho biết chocolate có khẩu vị hoàn toàn xa lạ với người dân ở đây vào thời điểm đó.
Tổng doanh số bán lẻ chocolate ở Trung Quốc đã tăng trung bình 17% hằng năm trong vòng 5 năm qua và đang tăng nhanh ở phân khúc cao cấp. Dự kiến, chocolate sẽ tăng 20% một năm trong thập kỷ tới.
Raphael Wermuth, người đại diện của nhà sản xuất chocolate Barry Callebaut, trụ sở Thụy Sĩ, cho rằng người dân Trung Quốc đang chấp nhận dần thói quen uống cà phê được du nhập từ nước ngoài. Xu hướng này đã trở nên phổ biến, phần lớn nhờ vào các cửa hàng cà phê mang nét độc đáo riêng, chứ không phải là từ hương vị của thức uống. Trung Quốc sẽ là thị trường lớn thứ hai của Starbucks trong năm tới.
Nhiều công ty đang cố gắng tận dụng ưu đãi của chính phủ Trung Quốc dành cho các mặt hàng xa xỉ và quà tặng, qua việc tái định vị thương hiệu chocolate dành cho giới giàu có và xem chocolate là món quà cho giới thượng lưu với hương vị mang dấu ấn quốc tế.
Nhãn hiệu chocolate của Italy như Ferrero Rocher, nổi tiếng ở phương Tây, đang có bước nhảy rất nhanh ở Trung Quốc, với thị phần 8,4%, tức tăng gần 1/3 chỉ trong 2 năm, theo Euromonitor vào tháng 11. Các thương hiệu chocolate cao cấp khác như Godiva, Bỉ đã giới thiệu các mẫu mã chocolate sang trọng dành cho những ngày lễ đặc biệt. "Người Trung Quốc thường chi rất nhiều tiền vào quà tặng trong những dịp nghỉ lễ và lễ hội”, Giám đốc điều hành của Godiva, John Holmberg nói.
Đối với những kỳ nghỉ lễ lớn của Trung Quốc, cụ thể Tết nguyên đán âm lịch bắt đầu từ 10 tháng 2, Godiva đã bán hộp quà 18 miếng với giá 78 USD, hương vị trà và kiểu thiết kế dạng con rắn, tượng trưng biểu tượng cung hoàng đạo năm nay.
Tại cuộc triển lãm mang tên “Chocolate Happy Land” ở Thượng Hải, đã trình làng các biểu tượng nổi tiếng thế giới được làm bằng chocolate như bức chân dung Mona Lisa và Marilyn Monroe cho đến tháp nghiêng Pisa của Italy, tượng thần chiến thắng Samothrace.
Một hội chợ khác về chocolate có tên Chocolate Wonderland cũng giới thiệu những khu vực dành cho cặp đôi có thể chụp ảnh trong khung hình lớn làm từ chocolate với chữ love (tình yêu) hay trái tim lớn.
Các cuộc triển lãm về chocolate thường được khai mạc đúng vào những dịp lễ như Tết nguyên đán và ngày lễ tình nhân. Cụ thể, những khách hàng ghé vào triển lãm Wonderland có thể nhận được thông điệp về chocolate, chẳng hạn chocolate đen tượng trương cho cá tính độc lập và ngụ ý có thể là người bạn đời đáng tin cậy, chocolate bạc hà thể hiện là người yêu lý tưởng dành cho nửa kia.
Mai Phương (theo AFP)