Thông tin do bác sĩ Vương Vũ Việt Hà, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện cho biết trong Tuần lễ khám, tư vấn miễn phí về vô sinh và hiếm muộn, ngày 10/2.
Theo bác sĩ, suy giảm tinh trùng là xu hướng toàn cầu. Theo đó, chuẩn mật độ tinh trùng của nam giới do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo là 20 triệu tinh trùng trên một ml tinh dịch, nay giảm chỉ còn 15 triệu. Tỷ lệ nam giới đi khám hiếm muộn tăng, nhiều trường hợp trẻ tuổi, từ 30-40 tuổi, thậm chí nhiều người không có tinh trùng.
"Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào để đánh giá xem số lượng, chất lượng tinh trùng của nam giới Việt Nam đang suy giảm ở mức độ nào", bác sĩ nói.
Việt Nam là một trong quốc gia châu Á Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp và vô sinh cao, 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản đang đối mặt với hiếm muộn. Trong đó, hơn 50% là hiếm muộn thứ phát, tức đã có thai hoặc đẻ con ít nhất một lần nhưng không thể có con tiếp, tăng 15-20% mỗi năm.
![Bác sĩ Vương Vũ Việt Hà, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản đang thăm khám cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/11/476630425-651439637232358-6144-9504-4094-1739237593.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VCKZBTWcXeD3OFEBEjPjag)
Bác sĩ Vương Vũ Việt Hà, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản đang thăm khám cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Có nhiều nguyên nhân khiến chất lượng tinh trùng suy giảm như tuổi tác, mất cân bằng nội tiết tố. Khi nam giới già, tinh trùng sẽ có sự thay đổi về hình thái và khả năng vận động. Theo đó, ở nam giới trên 50 tuổi, nhu động của tinh trùng giảm từ 3-37%, hình dạng giảm từ 4-18%, mật độ giảm từ 3-22%. Nguyên nhân khác như viêm nhiễm, giãn tĩnh mạch thừng tinh, rối loạn xuất tinh, thiếu hụt dưỡng chất, quan hệ tình dục quá độ hoặc làm việc trong môi trường độc hại.
Một số trường hợp từng phẫu thuật thắt ống dẫn tinh, phẫu thuật tinh hoàn, bìu, tiền liệt tuyến... hoặc mắc bệnh lý mạn tính, sử dụng thuốc có thể ảnh hưởng tới lượng tinh dịch xuất ra khi quan hệ.
Ngoài ra, lối sống sử dụng thức ăn nhanh, thức khuya, ít vận động, ngồi nhiều, kết hôn muộn... cũng khiến khả năng sinh sản bị ảnh hưởng.
"Tình trạng này kéo dài vừa ảnh hưởng tâm lý, vừa gây hại sức khỏe nam giới", bác sĩ nói. Nhiều người bị căng thẳng, áp lực, stress, đời sống tình dục không viên mãn, suy giảm khả năng sinh sản. Để đánh giá chính xác, nam giới cần đến bệnh viện để kiểm tra tinh dịch đồ và thực hiện những xét nghiệm cần thiết.
![Hơn 2000 người đến thăm khám sức khỏe miễn phí trong hai ngày đầu tiên tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/11/477280886-651400163902972-9075-9033-6210-1739263568.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mTC2Gl9bFi5M0C_4I-Rs5Q)
Hơn 2000 người đến thăm khám sức khỏe miễn phí trong hai ngày đầu tiên tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ khuyến cáo nam giới nên hạn chế sử dụng rượu bia và hút thuốc lá cũng như sử dụng các chất kích thích khác. Duy trì cân nặng ổn định, giảm nguy cơ béo phì, ăn uống khoa học, tập thể dục, suy nghĩ tích cực, tránh mệt mỏi và căng thẳng. Quan hệ điều độ vừa giúp tăng cường sức khỏe, vừa cải thiện khả năng tình dục và chất lượng tinh trùng.
Các cặp vợ chồng nên khám tiền hôn nhân để kiểm tra khả năng sinh sản và điều trị theo phác đồ. Trường hợp hai vợ chồng quan hệ đều đặn, không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào trong vòng một năm mà vẫn chưa có thai, nên đi khám để được điều trị sớm. Tuyệt đối không nên tin vào bài thuốc không rõ nguồn gốc hay tự ý điều trị dẫn đến tiền mất, tật mang.
Hiện, điều trị vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam ngày càng phát triển với nhiều phương pháp tiên tiến như thụ tinh nhân tạo (IUI) bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Các trường hợp vô tinh do tắc nghẽn sẽ tiến hành PESA - chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da; còn vô sinh không do tắc nghẽn sẽ tiến hành TESE hoặc Micro TESE.
Thùy An