"Danh hiệu này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, là niềm vinh dự, tự hào của chính quyền và người dân Đăk Nông", ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh nói trong lễ đón nhận danh hiệu, tối 26/12.
Ông Mười khẳng định, phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là một trong ba trụ cột của nền kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn cảnh quan, giá trị địa chất, văn hóa và nâng cao nhận thức cộng đồng đã được triển khai đồng bộ, giúp địa phương ngày càng khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch quốc tế.
![Đại diện Sở Văn hóa và Du lịch Đắk Nông nhận danh hiệu Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông từ đại diện UNESCO tại Việt Nam. Ảnh: UBND Đắk Nông](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/12/27/IMG-553655-JPG-1735260207-9372-1735261953.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WNjzZNKznSpwYyyxcvYhUA)
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông (thứ hai từ phải sang) nhận danh hiệu Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đăk Nông từ bà Lê Thị Hồng Vân, Vụ trưởng Vụ ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao (thứ hai từ trái qua), tối ngày 26/12. Ảnh: UBND Đăk Nông
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, thời gian tới, địa phương tập trung khoanh vùng bảo tồn và phát huy giá trị di sản; ưu tiên quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch gắn với các di sản. Tỉnh sẽ đẩy mạnh mời gọi đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch trong khu vực; sớm xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu "Công viên địa chất Đắk Nông - Xứ sở của những Âm điệu"; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhân sự quản lý của các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử...
"Việc tái thẩm định danh hiệu 4 năm một lần, do các chuyên gia UNESCO thực hiện, là thước đo giúp địa phương đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế và định hình chiến lược phát triển phù hợp với bối cảnh toàn cầu", ông Hồ Văn Mười nói.
Ông Jonathan W. Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, nhấn mạnh sự tái công nhận này không chỉ tôn vinh các giá trị di sản độc đáo mà còn mở ra cơ hội mới để tỉnh thúc đẩy thương hiệu toàn cầu, phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế.
Ông Baker khẳng định, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đăk Nông là minh chứng điển hình về mối liên kết hài hòa giữa thiên nhiên và con người, đồng thời là biểu tượng cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
![Hệ thống hang động dài hơn 10.000 m trong công viên địa chất. Ảnh: Ngô Minh Phương](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/12/26/NGo-Minh-phuong-1-1735222245-2737-1735222531.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Lkf_KyaiJT5cjp1qgEoh9w)
Hệ thống hang động dài hơn 10.000 m trong công viên địa chất. Ảnh: Ngô Minh Phương
UNESCO cam kết tiếp tục đồng hành cùng Đăk Nông để phát huy giá trị của danh hiệu, biến di sản trở thành động lực quan trọng cho phát triển bền vững.
Công viên địa chất Đăk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020; trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ ba tại Việt Nam sau Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang và Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng.
Công viên địa chất Đắk Nông rộng 4.760 km2, trải dài trên các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đăk Mil, Đăk Song, Đăk G'long và TP Gia Nghĩa; có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m, các miệng núi lửa, thác nước...
Là một phần của cao nguyên M'Nông, Công viên địa chất Đăk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Ngoài ra, công viên còn có hệ thống hang động trong đá bazan, phân bố ở khu vực Đray Sáp-Chư R'Luh, được phát hiện từ năm 2007...
Theo các nhà khoa học, vùng đất này được hình thành từ 140 triệu năm cách ngày nay, từng là một phần của đại dương với các dấu tích được tìm thấy như đá trầm tích, hóa thạch cúc đá và các loại hóa thạch khác. Vận động kiến tạo của lớp vỏ trái đất đã khiến khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa. Chính hoạt động phun trào núi lửa đã che phủ đến một nửa diện tích khu vực này bởi các lớp dung nham bazan.
![Miệng núi lửa Nam Kar trong quần thể công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đăk Nông. Ảnh: Ngô Minh Phương](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/12/26/Ba-n-sao-cu-a-DJI-0971-gui-173-2314-8270-1735222531.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8feAmROfFoHTdeXxKEbIog)
Miệng núi lửa Nam Kar trong quần thể công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đăk Nông. Ảnh: Ngô Minh Phương
Trong khuôn khổ lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2, còn có không gian trải nghiệm các trạm âm thanh Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đăk Nông, mang đến cho người tham dự hành trình khám phá di sản bằng giác quan và cảm xúc. Tỉnh cũng tổ chức hội thảo "Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đăk Nông với mục tiêu phát triển bền vững", với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng các công ty lữ hành.
Các hoạt động diễn ra đúng kỷ niệm 20 năm Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (2004-2024), với sự mở rộng mạnh mẽ từ 25 thành viên ban đầu lên 213 công viên tại 48 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2024.
Ngọc Oanh