"Điều đáng sợ nhất không phải đái tháo đường đang gia tăng với tốc độ rất nhanh trên toàn cầu mà chính là những biến chứng nguy hiểm của bệnh này", PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào, Chủ tịch Hội Đái tháo đường và Nội tiết TP HCM, nói tại hội thảo khoa học tại Bệnh viện Gia An 115, ngày 12/7.
Theo phó giáo sư Đào, nhiều người bệnh khi nhận chẩn đoán đái tháo đường thường hỏi "Tôi sẽ bị mù, sẽ phải cắt cụt chi đúng không?". Điều này thể hiện sự ám ảnh về những biến chứng tàn phá cơ thể của căn bệnh. Sự gia tăng đường huyết nếu không kiểm soát tốt là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận giai đoạn cuối, đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực... Không kiểm soát tốt đường huyết còn là thủ phạm gây mù do biến chứng võng mạc, bệnh lý thần kinh ngoại biên...
Liên đoàn Đái tháo đường thế giới năm 2025 ước tính toàn cầu ước tính có khoảng 589 triệu người mắc đái tháo đường, trong khi cách đây 10 năm số này chỉ khoảng 450 triệu. Đái đường làm tăng nguy cơ đột quỵ 52%, nhồi máu cơ tim 60%, bệnh mạch vành 73%. So với người bình thường, nguy cơ suy tim ở người đái tháo đường lên đến 84%.
Một phân tích gộp dựa trên hơn 1.100 nghiên cứu trên thế giới cho thấy năm 1990, người mắc đái tháo đường chiếm khoảng 7% dân số, đến năm 2022 số này tăng lên 14%. Trong đó, những nước thu nhập trung bình và thấp có mức tăng lớn nhất, song khả năng tiếp cận điều trị lại ở mức thấp. Đặc biệt, 59% người trưởng thành từ 30 tuổi trở lên mắc đái tháo đường nhưng lại không dùng thuốc điều trị, chủ yếu sống ở những nước thu nhập trung bình và thấp.
Thời gian từ khi phát hiện đái tháo đường đến khi xuất hiện biến chứng trung bình khoảng 3-5,2 năm, theo một nghiên cứu. Trong đó, biến chứng xuất hiện sớm nhất sau khi chẩn đoán đái tháo đường thường là bệnh thận mạn.
Các thống kê tại Việt Nam cho thấy cả nước có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, song một nửa số đó không biết mắc bệnh, dẫn đến không được điều trị kịp thời. Hơn 55% người Việt mắc đái tháo đường gặp biến chứng, gồm 34% biến chứng về tim mạch, 39% mắt và thần kinh, 24% thận, làm tăng chi phí y tế, giảm chất lượng cuộc sống.
BS.CK2 Dương Duy Trang, Phó giám đốc kiêm Trưởng Khoa Nội tim mạch - Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Gia An 115, cho biết đái tháo đường gây biến chứng ở nhiều cơ quan, trong đó tim mạch là biến chứng hàng đầu, đặc biệt là các bệnh lý mạch vành. Bệnh đang có xu hướng trẻ hóa bởi lối sống hiện đại, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, chế độ ăn dư thừa chất béo và tinh bột, ít vận động.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân tại Bệnh viện Gia An 115. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Các chuyên gia cho rằng đái tháo đường thường không có triệu chứng cảnh báo, điều quan trọng là phải xét nghiệm đường huyết để tầm soát định kỳ, đặc biệt là ở nhóm nguy cơ cao như người trên 45 tuổi, người có thành viên trực hệ trong gia đình như bố mẹ, anh chị em ruột bị đái tháo đường, người thừa cân béo phì, ít vận động, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, có những tình trạng tăng đề kháng insulin...
"Việc phát hiện sớm ngay từ giai đoạn tiền đái tháo đường, can thiệp kịp thời có thể làm thoái lui tình trạng rối loạn đường huyết, ngăn chặn tiến triển đái tháo đường trong tương lai", phó giáo sư Đào nói. Còn khi đã bị bệnh, cần quản lý tốt đường huyết để ngăn chặn biến chứng, giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, kéo dài tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong.
Để phòng bệnh và ngăn ngừa biến chứng, cần có lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng, không dư thừa những chất gây hại như chất béo, muối, chất tạo ngọt... Ăn nhiều rau củ, hạn chế thức ăn nhanh. Duy trì cân nặng hợp lý, bởi thừa cân béo phì, mỡ nội tạng sẽ dễ làm tăng đường huyết. Vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, không gián đoạn vận động quá hai ngày.
Lê Phương