Mức học phí chi trả cho ngành học tiến sĩ của tôi khoảng 6.000- 7.000 NZD/năm. Cũng ngành đó của bậc học thạc sĩ, học phí khoảng 18.000-20.000 NZD/năm.
Nghe thì vô lý, nhưng thực chất học phí bậc tiến sĩ thấp hơn là do Chính phủ New Zealand tài trợ phần lớn chi phí đào tạo tiến sĩ cho các trường đại học công lập có mức độ tự chủ cao để khuyến khích bậc học nghiên cứu. Bản chất vấn đề nằm ở chỗ, không phải tự chủ cao là cắt hết mọi nguồn tài chính của nhà nước.
Trong vài năm trở lại đây, tự chủ đại học ở Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các Nghị định như 81/2021, 60/2021. Cốt lõi của chính sách này là giảm ngân sách nhà nước cấp cho các trường đại học công lập, đồng thời cho phép các trường "tự quyết" học phí theo lộ trình tăng dần, nếu có đủ điều kiện tự đảm bảo chi thường xuyên. Điều đó dẫn đến một thực tế: nhiều trường công lập đang vận hành như doanh nghiệp giáo dục, nơi mối quan hệ giữa nhà trường và người học bị biến thành giao dịch thị trường: trường cung cấp dịch vụ - sinh viên trả tiền.
Năm học 2024-2025, Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố học phí 55 triệu đồng/năm, gấp đôi năm trước đó. Trường Đại học Luật TP HCM tăng 4-16,5 triệu tùy chương trình. Những con số ấy tưởng chừng chỉ phản ánh chi phí nhưng thực tế đang cho thấy tự chủ bị đẩy lệch hướng: trở thành "tự lo" thay vì "tự phát triển".
Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 chỉ vào khoảng hơn 100 triệu đồng/năm. Khi chi phí cho một năm đại học rơi vào khoảng 50-70 triệu đồng, nhiều gia đình sẽ bế tắc nếu có hai con cùng lúc vào đại học. Đó là chưa kể các ngành như Y, Dược hay Công nghệ có thời gian đào tạo dài và chi phí cao. Bộ Giáo dục và Đào tạo từng thống kê, gần 20% thí sinh trúng tuyển đại học không xác nhận nhập học năm 2023 và 2024 - một phần vì tài chính.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy thực tế đáng suy ngẫm: 80% sinh viên đại học Việt Nam đến từ hai nhóm thu nhập cao nhất, chỉ 10% thuộc hai nhóm thấp nhất. Nghĩa là giáo dục đại học, thay vì là công cụ giảm bất bình đẳng, đang góp phần tái sản sinh bất bình đẳng xã hội.
Trong bối cảnh đó, nhiều hiệu trưởng buộc phải gánh vai trò của một CEO doanh nghiệp. Với phần lớn ngân sách vận hành đến từ học phí, hiệu trưởng không còn là người dẫn dắt học thuật mà trở thành người đứng đầu tổ chức phải lo "kiếm tiền" để duy trì hoạt động. Hệ quả là các trường có thể đua nhau mở ngành "hot", mở rộng tuyển sinh, xây dựng các chương trình "chất lượng cao" như một cách hợp thức hóa mức học phí cao hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sự khác biệt giữa chương trình chất lượng cao và đại trà chỉ nằm ở cơ sở vật chất hoặc số giờ học tiếng Anh, còn chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và chuẩn đầu ra hầu như ít thay đổi.
Trái với xu hướng đang diễn ra ở Việt Nam, các quốc gia phát triển thực hiện tự chủ đại học theo một hướng hoàn toàn khác, nơi quyền tự chủ đi kèm với trách nhiệm và sự bảo trợ tài chính mạnh mẽ từ Nhà nước.
Tại New Zealand, 40-70% ngân sách đại học đến từ Chính phủ, trong khi học phí chỉ chiếm 28%. Ở Australia, học phí cũng chỉ chiếm khoảng 30% tổng thu, phần còn lại chủ yếu đến từ ngân sách nhà nước. Ở Đức và Phần Lan, nhiều đại học công lập vẫn miễn học phí, đồng thời nhận được đầu tư công đáng kể cho nghiên cứu, phát triển đội ngũ và cơ sở vật chất. Trong khi đó, Việt Nam đến năm 2021, học phí đã chiếm tới 77% tổng thu của các trường đại học công lập, còn ngân sách nhà nước chỉ đóng góp khoảng 9% (theo báo cáo của World Bank).
Tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 12 khóa XIII (ngày 19/7), Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra một nhận định rất quan trọng: "Không lấy mức độ tự chủ tài chính làm căn cứ để xác định mức độ tự chủ đối với cơ sở giáo dục, đào tạo công lập". Phát biểu này không chỉ mang tính chỉ đạo, mà còn chạm đến cốt lõi của vấn đề: tự chủ đại học không thể được hiểu thuần túy là tự chủ tài chính, mà phải đặt trong tổng thể năng lực như học thuật, nghiên cứu, quản trị và đóng góp xã hội. Nếu chỉ lấy khả năng "tự kiếm tiền" làm thước đo thành công, thì chẳng khác nào biến các cơ sở giáo dục thành những doanh nghiệp, nơi hiệu trưởng đóng vai trò như CEO, còn nhà trường bị cuốn vào vòng xoáy mở ngành "hot", mở rộng tuyển sinh và tăng học phí. Điều này không những làm lệch hướng sứ mệnh cốt lõi của giáo dục đại học, mà còn tiềm ẩn nguy cơ thương mại hóa và mất dần vai trò công của các trường công lập.
Để tránh tình trạng tự chủ đại học bị lệch hướng thành "tự chủ tài chính thuần túy", Việt Nam cần thiết kế lại mô hình tự chủ theo hướng toàn diện và bền vững. Trước hết, cần khẳng định tự chủ không thể chỉ giới hạn trong phạm vi tài chính, mà phải bao gồm cả tự chủ học thuật, tổ chức và nhân sự. Việc phân tầng các cơ sở giáo dục đại học là cần thiết, nhằm xác định rõ vai trò, sứ mệnh và mức độ tự chủ phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của từng nhóm trường, từ đó xây dựng cơ chế tài chính tương ứng, tránh áp dụng một mô hình đồng nhất.
Đồng thời, Nhà nước cần tăng đầu tư cho giáo dục đại học lên tối thiểu 1% GDP, như khuyến nghị của World Bank, để đảm bảo nền tảng tài chính ổn định cho các trường công lập. Bên cạnh đó, cần cải tiến cơ chế vay học phí theo hướng linh hoạt, dựa trên thu nhập sau tốt nghiệp. Cuối cùng, cần giữ học phí ở mức hợp lý, đồng thời mở rộng chính sách học bổng và hỗ trợ tài chính cho những nhóm yếu thế, để đảm bảo giáo dục đại học vẫn giữ được bản chất công bằng, bao trùm và vì lợi ích cộng đồng.
Giáo dục đại học không thể trở thành một loại "dịch vụ cao cấp" chỉ dành riêng cho những người có khả năng chi trả. Trường đại học không phải là doanh nghiệp, hiệu trưởng không phải là CEO đi tìm kiếm doanh thu và sinh viên cũng không nên bị xem như những "khách hàng" mua dịch vụ. Một nền giáo dục đúng nghĩa phải giữ được bản chất công, nơi tri thức là quyền lợi chung, chứ không phải đặc quyền của một tầng lớp.
Tự chủ là một xu hướng tất yếu, nhưng cần được đặt trong khuôn khổ của công bằng xã hội, định hướng phát triển dài hạn và đảm bảo chất lượng. Không thể xem việc mở rộng quyền tự chủ là thành công nếu nó khiến giáo dục ngày càng xa rời người học và khoảng cách cơ hội học tập giữa các nhóm thu nhập trong xã hội ngày càng bị nới rộng. Khi đó, đại học không còn là động lực nâng tầm dân trí và phát triển quốc gia mà trở thành nơi tái sản sinh bất bình đẳng, điều đi ngược với sứ mệnh cốt lõi của giáo dục.
* Bài báo có sử dụng số liệu nghiên cứu của đồng nghiệp
Trương Đình Thăng