Bị cáo Đinh Ngọc Hệ nêu lý do kháng cáo.
Sáng 30/10, TAND quân sự Trung ương mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo toàn bộ bản án của ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc", cựu thượng tá quân đội, cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) cùng đơn xin giảm nhẹ của Trần Văn Lâm (cựu tổng giám đốc Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P). Ông Phùng Danh Thắm (cựu tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) thay đổi kháng cáo từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt.
Cuối tháng 7, ông Hệ bị Tòa án Quân sự quân khu 7 tuyên phạt 10 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hai năm tù về tội Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức, tổng cộng mức án là 12 năm. Ông Lâm bị phạt 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Thắm bị tuyên 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo bản án sơ thẩm, khi giữ chức chủ tịch HĐQT Công ty phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P (công ty con của Tổng công ty Thái Sơn), ông Hệ đã đề nghị Ban lãnh đạo Tổng công ty Thái Sơn mua ôtô bằng vốn tự có và đăng ký biển quân sự và biển xanh 80A.
Ông Hệ chỉ đạo ông Lâm thế chấp, cho thuê, mượn 28 trong 39 xe biển quân sự, biển xanh 80A, thu lời bất chính hơn 6 tỷ đồng. Việc đăng ký, cho thuê, thế chấp các xe này đã gây thất thoát hơn 3 tỷ đồng do không nộp thuế trước bạ.
![Ông Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa phúc thẩm khai mạc sáng 30/10.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/10/30/thuong-ta-ut-troc-3010-7437-1540887411.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KTinrb7hK2kVIAjYFy8U0g)
Ông Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa phúc thẩm khai mạc sáng 30/10.
Trước tòa phúc thẩm, ông Hệ khai không phải là chủ mưu cho thuê xe. Ông chỉ là người góp vốn, việc cho thuê, thế chấp đều phải được đồng ý của Ban lãnh đạo công ty.
"Không thể nói chúng tôi thế chấp xe là sai mục đích bởi Luật Doanh nghiệp cho phép. Tài sản hình thành do cá nhân, cổ đông công ty bỏ ra mua. Việc thế chấp cũng được các tổ chức tín dụng đồng ý", ông Hệ trình bày.
Bị cáo thanh minh: "Công ty không cho thuê xe biển đỏ mà chỉ xe biển xanh". Mặt khác, tài sản là của công ty cổ phần không phải Nhà nước giao cho. Tiền cho thuê đưa vào hạch toán, đóng thuế đầy đủ. "Việc truy thu số tiền hơn 6 tỷ đồng là không có cơ sở, căn cứ", ông Hệ nói.
Ông cũng phủ nhận việc cho thuê, mượn xe gây ảnh hưởng tới uy tín của quân đội. Bởi khi người được giao xe đều có thân nhân tốt, doanh nghiệp có mối hợp tác kinh doanh. "Những người này đã chấp hành đúng luật lệ giao thông. Họ không chở hàng cấm", bị cáo trình bày.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ: Tôi bị vu khống
Với cáo buộc chỉ đạo bị cáo Lâm, cùng với ông Bùi Văn Tiệp (cựu sư đoàn trưởng 367 Quân Chủng phòng không - không quân) làm giả hợp đồng gửi, giữ 20.000 lít xăng kém chất lượng để không bị Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương xử phạt gần 1,5 tỷ đồng, ông Hệ phủ nhận và nói "bị vu khống".
Ông cho rằng không chỉ huy, chỉ đạo làm hợp đồng giả vì "không biết gì cả". "Ông Lâm và Tiệp đổ oan cho bị cáo. Từ trước tới giờ, bị cáo chưa bao giờ nhờ anh Lê Thanh Cung - khi đó là chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương", ông Hệ trình bày.
Để khẳng định lời khai là đúng, bị cáo Hệ đề nghị được trích lịch sử cuộc gọi với ông Cung, nếu có cuộc gọi nào trên một phút thì chấp nhận mọi mức án. Bởi cuộc gọi của bị cáo với ông Cung chỉ có 20 giây. Mặt khác, khi gặp ông Cung, bị cáo chỉ nói: “Đây là anh Lâm, sau này có gì nhờ anh giúp đỡ”.
Theo bị cáo Hệ, lỗi chính là tổ công tác quản lý thị trường vì đã không làm hết trách nhiệm. Họ không truy xuất tới cùng nguồn gốc số xăng dầu, còn hướng dẫn làm hợp đồng giả.
![Phòng xử án mở tại Tòa án quân sự trung ương.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/10/30/phien-toa-3010-4692-1540887411.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YWCneNypRGBRqytgLQMFGQ)
Phòng xử án mở tại Tòa án quân sự trung ương.
Về hành vi bị cáo buộc sử dụng bằng giả để thăng chức, quân hàm, ông Hệ cho rằng đó là lỗi vô ý vì năm 2000 tin tưởng mấy người "anh em xã hội" nói không cần học cũng có bằng. Sau này khi cơ quan chức năng xác minh, bị cáo mới biết đó là bằng giả.
Năm 2005, bị cáo được chuyển về Tổng Công ty Thái Sơn và lãnh đạo có đề cập đến bằng giả. Đến năm 2010, cơ quan vẫn kê khai tấm bằng Kinh tế quốc dân này vào hồ sơ phong hàm trung tá. Cơ quan đã tiếp tục chuyển hệ cho bị cáo lên thượng tá trong khi chưa tới niên hạn.
"Các cơ quan, tổ chức không đưa bằng thật (Đại học Mở) vào hồ sơ xét thăng quân hàm mà đưa bằng giả khiến bị cáo phải chịu mức phạt khắc nghiệt vậy", bị cáo Hệ nói.
Ông Phùng Danh Thắm thay đổi kháng cáo.
Cũng trong sáng nay, ông Phùng Danh Thắm nêu lý do thay đổi kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng đã làm không hết trách nhiệm. Ông nhận chỉ ký hợp đồng góp vốn vào Công ty Thái Sơn Bộ Q.P. Chính ông cũng đã có ý kiến đề nghị bỏ chữ "Bộ Q.P" song công ty không bỏ vì cho rằng pháp luật chấp nhận.
Phiên tòa tiếp tục làm việc hết ngày mai (31/10).