Cựu giảng viên ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã đạp xe hơn 100.000 km hơn 8 năm qua. "Tôi đã theo đuổi nhiều môn thể thao như bơi lội và leo núi suốt nhiều năm. Sau khi nghỉ hưu, tôi có nhiều thời gian hơn để mở rộng các mối quan tâm của mình và nhận thấy đạp xe là lựa chọn tốt", cô Ben chia sẻ.
Năm 2013, cô Ben bắt đầu đạp xe ở các vùng ngoại ô của thành phố Thường Xuân sau khi nghỉ hưu ở trường Cao đẳng Cảnh sát Cát Lâm. Tháng 5/2015, cô bắt đầu hành trình đầu tiên, một chuyến đi quanh vịnh Bột Hải. Lần ấy, cô hoàn thành tuyến đường 2.655 km trong 24 ngày. Thành công này giúp cô Ben có thêm động lực cho các hành trình tiếp theo.

Cô Ben Cheng dừng chân chụp ảnh khi đang trên hành trình con đường Tơ lụa hồi tháng 5. Ảnh: China Daily
Trong nhiều năm gần đây, cô Ben đã hoàn thành vài hành trình dài ngày khắp Trung Quốc, gồm chuyến đạp xe quanh hồ Thanh Hải (hồ lớn nhất Trung Quốc) ở tỉnh Thanh Hải và các chuyến đi khác ở tỉnh Hải Nam.
Cùng với những người bạn đồng hành, cô Ben bắt đầu hành trình trên con đường Tơ lụa cổ đại từ thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, hôm 21/5. Cô đã đi qua nhiều thành phố như Lan Châu, Tửu Tuyền, Đôn Hoàng và Gia Dục Quan ở tỉnh Cam Túc và cuối cùng đến Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương, hôm 18/6.
"Trong hành trình 3.000 km, tôi được tận hưởng những phong cảnh tuyệt đẹp. Tuy nhiên, tôi cũng đối mặt nhiều khó khăn khi gặp các cơn bão hay đường xấu. Thật may, tôi đã kiên định và cuối cùng đã tới đích", cô Ben kể.
Sau khi hoàn thành hành trình con đường Tơ lụa, cô Ben Cheng ngay lập tức bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi tiếp theo. Cô hy vọng nhiều người hơn nữa đạp xe như hoạt động luyện tập hàng ngày. "Xe đạp là phương tiện thải ra lượng carbon thấp, có thể giúp thúc đẩy môi trường thân thiện hơn", cô Ben nói.
Bình Minh (Theo China Daily)