Gần nửa thế kỷ trôi qua, ông Nguyễn Hữu Thường (xóm 1, Hưng Thông, Hưng Nguyên, Nghệ An) vẫn sử dụng những món đồ tái chế từ vũ khí chiến tranh như phích nước, phin pha cà phê, bàn ghế, cặp lồng, xoong nồi… Những thứ đó đã trở nên quá đỗi quen thuộc với gia đình người cựu chiến binh này.
81 tuổi với gần 20 năm phục vụ trong quân ngũ, ông Thường vẫn còn khỏe mạnh. Lấy nước pha trà từ chiếc phích làm bằng ống pháo sáng, vỏ đạn 130, ông kể lại cơ duyên của mình với việc biến vũ khí thành đồ sinh hoạt.
Năm 1957, ông ra thủ đô, làm công nhân nhà máy xe lửa Hà Nội. Năm 1966, ông được chuyển sang quân đội. Hàng ngày đối diện với bom đạn, đồ dùng sinh hoạt lại thiếu thốn nên ông Thường nảy ra ý định tái chế vỏ bom đạn, xác máy bay của Mỹ.
Những năm đó, cứ rảnh rỗi, ông Thường lại đi nhặt nhạnh những mảnh vỡ ấy rồi cần mẫn đục, mài thành những vật dụng có ích cho đơn vị. Các món đồ do ông chế tạo ngày càng nhiều, có những thứ đơn vị không cần đến nữa thì ông gửi về cho gia đình sử dụng.
Ông Thường chia sẻ: "Đó là những kỷ vật vô giá đối với tôi. Mỗi thứ đều gắn với những kỷ niệm khó quên thời quân ngũ. Bây giờ, mỗi khi đồng đội cũ có cơ hội gặp nhau thì câu chuyện chúng tôi nói nhiều nhất chính là những kỷ vật này".
Món đồ ông trân trọng nhất là chiếc bàn mà hiện nay gia đình ông vẫn sử dụng. Làm cho một đơn vị thuộc Bộ Vận tải, công việc chính của ông Thường là sửa chữa ôtô hư hỏng do quân Mỹ bắn phá. Một lần chiếc xe của ông bị tập kích, ly hợp bị hỏng không thể chạy được khiến một đồng đội của ông phải hy sinh. Để tưởng nhớ người bạn, ông đã dùng chiếc đĩa ly hợp bị hỏng đó để làm ra chiếc bàn cho cháu ngoại học bài.
Trở về từ cuộc chiến tranh ác liệt với cơ thể không còn lành lặn, là thương binh hạng 4/4, nhưng ông Nguyễn Văn Thường vẫn miệt mài lao động. Với niềm đam mê chế tạo, ông vẫn không ngừng chế ra các vật dụng mới.
"Hầu hết đồ dùng trong nhà là một tay ông nhà tôi làm hết. Cuộc sống gia đình cũng không khó khăn, nhưng ông vẫn đam mê chế tạo. Có nhiều lúc, tôi bảo có tốn mấy tiền đâu, để tôi mua về dùng nhưng ông vẫn không chịu, cứ tận dụng những thứ không dùng nữa rồi chế tạo ra cái mới cho gia đình", bà Phạm Thị Mận, 66 tuổi, vợ ông Thường, tâm sự.
Nguyễn Tiến Hùng