Ngày 23/7, trên chuyến tàu từ TP HCM ra Bắc để đi thăm chiến trường xưa Điện Biên, ông Bền bị đột quỵ được bạn bè và nhân viên nhà ga đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hương Khê (Hà Tĩnh) cấp cứu.
Khi nhập viện ông đã liệt nửa người trái, nói ngọng, vệ sinh không tự chủ... Kết quả CT sọ não và xét nghiệm xác định bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não, chỉ định can thiệp tiêu sợi huyết. Bệnh viện Hương Khê đã cầu viện đồng nghiệp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh lên hỗ trợ.
Nhận được tin báo, kíp bác sĩ khoa cấp cứu chống độc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã vượt gần 50 km mang theo thuốc tiêu sợi huyết về bệnh viện Hương Khê cấp cứu cho bệnh nhân. Sau khi dùng thuốc, tình trạng bệnh nhân tiến triển rất khả quan. Ngày 24/7 ông đã nói rõ hơn, nhận diện được người thân, sử dụng được điện thoại, tay và chân trái cử động tốt...

Bệnh nhân hiện ổn định sau khi được dùng thuốc tiêu sợi huyết. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Thái, Phó trưởng khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, cho biết bệnh nhân Bền bị đột quỵ do nhồi máu não diện rộng. Rất may, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong giai đoạn "giờ vàng" (dưới 4,5 tiếng) nên sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đã hồi phục tốt.
Hiện, bệnh nhân Bền đã được chuyển về bệnh viện tỉnh để điều trị và tập phục hồi chức năng.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 230.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và chỉ 10% sống sót bình phục hoàn toàn. Ba năm qua, số người đột quỵ nhập viện tăng 1,7-2,5%, trong đó bệnh nhân nam cao gấp 4 lần nữ giới.
Để phòng tránh, mọi người nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Những xét nghiệm sàng lọc về cholesterol, huyết áp và đường huyết giúp bác sĩ đánh giá nguy cơ và phòng chống đột quỵ hiệu quả hơn. Nên duy trì lối sống lành mạnh, ngủ sớm, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường vận động, giảm ăn mặn và mỡ béo, ăn nhiều rau xanh và trái cây.