Xiaoxue (biệt danh) có hơn 6 triệu lượt theo dõi trên Douyin, lập tức báo cảnh sát và sau đó tự mình điều tra. Cô và hai người bạn đã trả 12 tệ (45.000 đồng) mỗi người để tham gia cuộc trò chuyện nhóm trên WeChat, nơi những bức ảnh này được phán tán. Vào thời điểm đó, nhóm đã có 300 thành viên.
Với bằng chứng trong tay, Xiaoxue đăng video lên Douyin và Weibo, đề cập thủ phạm lan truyền những bức ảnh có chủ đích. "Bất cứ ai vì mục đích lợi nhuận mà chia sẻ những ảnh khiêu dâm sẽ bị kết án lên tới 10 năm tù", cô cảnh báo.
Video thu hút hàng trăm triệu lượt xem. Xiaoxue hy vọng có thể đối đầu với những người tấn công cô mà còn giúp đỡ những người khác đang đối mặt với bạo lực mạng.
Ở Trung Quốc, trải nghiệm của Xiaoxue không phải hiếm. Bắt nạt trực tuyến hoành hành trên các phương tiện truyền thông xã hội, khiến nhiều nạn nhân phải vật lộn để đòi công lý trong khi kẻ bắt nạt thường chỉ phải chịu mức án nhẹ.
Tại Vũ Hán, sau một vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của đứa con trai nhỏ vào tháng 6/2023, người mẹ họ Yang đã tìm kiếm công lý trên mạng. Tuy nhiên, cư dân mạng lại chú ý đến khuyên tai và giày cao gót của cô rồi kết luận cô không đau buồn.
Trước đó, tháng 2/2023, Sun Fanbao, một người có ảnh hưởng ở tỉnh Sơn Đông đã phàn nàn trong một video trên kênh của mình rằng anh bị tấn công ác ý trong nhiều tháng. Nhưng đổi lại không được cảm thông, còn bị mắng chửi.
Quá thất vọng và bế tắc, cả hai người này đã tự tử sau đó.

Đài tưởng niệm con trai của Yang ở cổng trường tiểu học ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào tháng 5/2023. Ảnh: Paper
Giữa làn sóng phản đối kịch liệt của công chúng sau một loạt vụ việc nghiêm trọng, các cơ quan chính phủ và nhà điều hành các mạng xã hội bắt đầu giải quyết vấn đề này. Trong quý 1/2023, Douyin đã xóa 32.000 bình luận không phù hợp, gửi 170.000 email hướng dẫn người dùng về hành vi trực tuyến phù hợp và đưa ra 70.000 cảnh báo cho các nạn nhân tiềm năng về các mối đe dọa mạng.
Douyin cũng giới thiệu tính năng "một phím" để chống lại bắt nạt trên mạng vào năm ngoái. Sau khi được kích hoạt, chức năng này cung cấp một loạt các biện pháp bảo vệ cho người dùng, bao gồm cấm mọi người bình luận về bài đăng của họ, gửi tin nhắn riêng và tìm kiếm tài khoản. Hoạt động này kéo dài trong 7 ngày, người dùng có thể chọn tiếp nếu vẫn còn bị đe dọa.
Vào tháng 7, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc đã đưa ra dự thảo quy định đầu tiên của nước này nhắm vào bạo lực mạng cùng với một số bộ luật đã có từ trước. Theo dự thảo, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến có thể phải đối mặt với mức phạt tới 200.000 tệ (670 triệu đồng) hoặc bị đình chỉ hoạt động nếu bị phát hiện cẩu thả trong ngăn chặn các vụ bạo lực mạng trên nền tảng của mình. Các cá nhân liên quan cũng sẽ phải chịu trách nhiệm theo pháp luật hiện hành.
Hồi tháng 8, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc và Viện Kiểm sát đã đưa ra các hướng dẫn nghiêm ngặt, đặc biệt nhằm vào bạo lực mạng. Các hành vi phạm tội xúc phạm hoặc vu khống gây nguy hiểm nghiêm trọng đến trật tự xã hội và lợi ích quốc gia có thể bị truy tố.
Các chuyên gia đánh giá cao những động thái này, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết cần phải tiếp cận nhiều mặt. "Việc quản lý và kiểm soát bạo lực mạng đòi hỏi nỗ lực tổng hợp của luật pháp, nâng cao nhận thức xã hội và thúc đẩy tính tự giác của cá nhân", Zhu Zheng, giám đốc Ủy ban các vấn đề xã hội và pháp lý tỉnh An Huy cho biết.
Trong số nhiều vụ bắt nạt trên mạng, có một trường hợp xảy ra ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, gây tiếng vang khắp Trung Quốc. Tháng 7/2020, một người đàn ông đã bí mật quay phim người phụ nữ tên Gu khi cô ra khỏi nhà đi lấy bưu kiện, sau đó giả tạo hồ sơ trò chuyện để tố Gu "có quan hệ bất chính với shipper". Những hồ sơ giả mạo này, kết hợp với các bức ảnh và video dàn dựng, được chia sẻ trên 110 nhóm WeChat, nhận về vô số bình luận tục tĩu. Cô Gu bị mất việc, xa lánh vì tin đồn ngoại tình và rơi vào trầm cảm.
Quyết định đòi lại công lý, cô đã kiện hai kẻ tung tin đồn. Tháng 12/2020, vụ án được chuyển sang giai đoạn truy tố công khai, cuối cùng hai kẻ này bị một năm tù và hai năm quản chế.
Trên thực tế, phán quyết ở Hàng Châu là điều hiếm thấy. "Khả năng cảnh sát điều tra đơn khiếu nại bắt nạt trên mạng rất nhỏ. Chỉ khi một vụ việc thu hút được sự chú ý lớn và thậm chí có thể được cả nước chú ý, chính quyền mới xem xét nghiêm túc", Zhu Zheng nói thêm.

Sun Fanbao, một người có ảnh hưởng về video ngắn ở phía đông tỉnh Sơn Đông, đã tự sát sau khi bị bạo lực mạng, tháng 2/2023. Ảnh cắt từ một livestream của Sun
Liu Daqing, luật sư đại diện của Xiaoxue đồng tình với ý kiến này. Liu đã nhận được xác nhận của cảnh sát về đơn khiếu nại nhưng cuộc điều tra vẫn chưa bắt đầu.
Một số người sáng tạo nội dung cũng đang xây dựng chiến lược riêng để chống lại hành vi quấy rối trực tuyến. Liao Yidong là một vlogger thể hình 28 tuổi đã tự giành được danh hiệu "Người đấu tranh chống bạo lực mạng trực tuyến số một", bằng cách sản xuất nội dung vạch trần những kẻ quấy rối mình.
Sở dĩ anh làm việc này vì vào tháng 10/2020 gặp phải một làn sóng quấy rối, sau khi chia sẻ một video 5 phút về cuộc sống hàng ngày và đam mê: "Nếu tôi không có đủ thời gian trong ngày, tôi sẽ tập thể dục sau nửa đêm".
Lời nói của anh bị bóp méo, cáo buộc cổ vũ lối sống không lành mạnh khi tập thể dục khuya. Phản ứng dữ dội leo thang. "Nhiều người không chỉ chửi bới tôi, còn nguyền rủa cả gia đình tôi. Một số người thậm chí còn gợi ý tôi nên kết thúc cuộc đời mình", anh nhớ lại. Điện thoại của anh bị những cuộc gọi làm phiền, mắng chửi tục tĩu. Anh đã báo cáo nền tảng nhưng những kẻ bắt nạt vẫn quay lại sau một ngày bị khóa.
Theo phó giáo sư tâm lý Hou Yubo, Đại học Bắc kinh, nhiều người tin rằng tính năng ẩn danh của của Internet mang đến một lối thoát cho những nỗi thất vọng dồn nén. "Khi đối mặt với những thách thức trong đời thực, nhiều người chuyển hướng cảm xúc tiêu cực của họ lên mạng, sử dụng nó như một nền tảng để trút bỏ, thậm chí bày tỏ những quan điểm thành kiến, được che chắn bởi ảo tưởng về sự ẩn danh", chuyên gia nói.
Khi họ hùa theo đám đông, họ cảm thấy mình ít phải chịu trách nhiệm cá nhân về hậu quả hành động. Sự mù mờ nhận thức này khuyến khích họ đi tấn công người khác.

Ảnh minh họa: VCG
Chuyên gia thừa nhận các nền tảng và chính quyền đang có động thái tích cực, song những thách thức cố hữu vẫn còn đó. "Việc xác định ý định và đánh giá mức độ tổn hại gây ra là một công việc phức tạp. Trước những thách thức này, nhu cầu trước mắt là giáo dục cơ bản, nhấn mạnh với tất cả người dùng rằng không gian kỹ thuật số không phải là vô luật pháp", phó giáo sư Hou nói.
Liao bổ sung thêm rằng khi bị bắt nạt, im lặng là phản ứng hiệu quả nhất. Song với những người sáng tạo nội dung như anh, không phải lúc nào giải pháp này cũng đúng, bởi bắt nạt qua mạng có thể bóp méo nhận thức của công chúng.
Bảo Nhiên (Theo Sixthtone)