Dịp đầu năm, Cathay United Bank (CUB) công bố về chiến lược phát triển mới. Theo đó, đơn vị tái định vị thương hiệu, xoay quanh ba trụ cột: cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, dịch vụ kỹ thuật số và phát triển - duy trì nhân tài. Sau bước công bố này, ông Benny Miao - Phó tổng giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của CUB có buổi trò chuyện với VnExpress về tiềm năng thị trường cùng bước đi cụ thể trong thời gian tới.
![Ông Benny Miao. Ảnh: CUB](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2024/01/15/at-01332-jpg-1704905358-2949-1705303760.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=60CzVAm0rIIvgKoN5j7UTQ)
Ông Benny Miao. Ảnh: CUB
- Vì sao CUB tái định vị thương hiệu sau 18 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam?
- Việt Nam luôn là thị trường quan trọng đối với các tổ chức đầu tư nước ngoài. Các công ty Đài Loan đã đầu tư rất lớn vào các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam trong một thời gian dài. Chúng tôi mong muốn phục vụ nhiều khách hàng hơn, theo hướng hiệu quả và tích cực hơn khi hiện diện thương mại của CUB tại Việt Nam ngày càng vững chắc. Ngoài ra, Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của chúng tôi và chúng tôi cam kết biến điều đó thành hiện thực.
Khi tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi hy vọng thị trường này giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của CUB, ngược lại góp phần vào tăng trưởng GDP của quốc gia 100 triệu dân.
- Bối cảnh hiện nay có những thuận lợi và khó khăn gì với chiến lược tái định vị này?
- Việt Nam là quốc gia có nhiều hiệp định thương mại tự do và chế độ thuế quan ưu đãi, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn.
Dân số trẻ với hơn 100 triệu người cùng sự thâm nhập mạnh mẽ của Internet, người dùng thích ứng nhanh với sự thay đổi, trở thành yếu tố hấp dẫn với các thương hiệu. Có một xu hướng đáng chú ý là các công ty Đài Loan dần chuyển sang Việt Nam để lập cơ sở sản xuất, chế tạo. Nhóm này trở thành khách hàng ưu tiên của ngân hàng Đài Loan.
Tuy nhiên, thị trường cũng có nhiều thách thức. Với làn sóng đầu tư nước ngoài từ các quốc gia như Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, chi phí lao động và đất đai - vốn tương đối thấp - đã dần tăng lên trong những năm gần đây. Hơn nữa, các quy định của địa phương có thể thay đổi. Vì vậy, tổ chức tài chính cần quản lý rủi ro hiệu quả, tuân thủ quy định đồng thời nắm bắt những thay đổi về chính sách nhằm đưa ra chiến lược thích ứng.
![Ông Benny Miao phát biểu tại sự kiện công bố chiến lược mới. Ảnh: CUB](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2024/01/15/at-01314-jpg-1704905433-8604-1705303760.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hkI0d3YLnxIYHPCLpiofew)
Ông Benny Miao phát biểu tại sự kiện công bố chiến lược mới. Ảnh: CUB
- CUB sẽ triển khai kế hoạch gì để vượt qua những thách thức này?
- Chúng tôi triển khai chiến lược đổi mới dựa trên tiềm lực sẵn có về tài chính. Hiện nay Cathay Financial Holdings là một trong những tập đoàn đứng đầu Đài Loan về tài sản tài chính, gồm các nhóm ngành: bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng, bảo hiểm tài sản, chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán và vốn rủi ro. Cathay sử dụng kỹ thuật số, dữ liệu và công nghệ để thúc đẩy fintech, xây dựng tương lai của ngành tài chính với sự hiện diện kinh doanh toàn cầu.
Ngoài ra, chúng tôi luôn duy trì phản ứng linh hoạt và nhanh nhạy trước những thay đổi của thị trường bên ngoài. Ví dụ, trong Covid-19, CUB thực hiện theo các chính sách của chính phủ Việt Nam và kết hợp nguồn lực từ trụ sở chính tại Đài Loan để cung cấp loạt biện pháp kỹ thuật số có tính linh hoạt cao nhằm duy trì hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn. Chỉ trong vòng 1-2 tháng, ngân hàng đã xây dựng hệ thống ngân hàng điện tử cho phép khách hàng mở tài khoản trực tuyến từ xa, thực hiện giao dịch trực tuyến xuyên biên giới và quản lý dòng tiền thông qua hệ thống ngân hàng điện tử.
- Trên một thị trường sôi động, lợi thế cạnh tranh của CUB là gì?
- Để tạo sự khác biệt, Cathay United Bank tiếp cận người dùng bằng cách tập trung vào tài chính tiêu dùng kỹ thuật số. Chúng tôi xây dựng nền tảng, hệ thống tài chính tiêu dùng kỹ thuật số độc quyền và sẽ ra mắt nhiều sản phẩm, dịch vụ tại Việt Nam trong thời gian tới. Mục tiêu lớn nhất là trở thành ngân hàng Đài Loan hàng đầu tại Đông Nam Á về tài chính tiêu dùng kỹ thuật số.
Hệ thống tài chính tiêu dùng kỹ thuật số độc quyền là khái niệm gồm hệ thống và nền tảng phức hợp, cần kết nối các mô hình cho vay, dịch vụ khách hàng và thu hồi nợ. Ngoài việc quản lý rủi ro hiệu quả, mô hình này còn phải có tính linh hoạt cao. Điều này sẽ cho phép Cathay nhân rộng mô hình sang các nước Đông Nam Á khác, tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu và quy định của các thị trường khác nhau. CUB cũng đi theo xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, đồng thời xây dựng và củng cố đội ngũ dịch vụ xuyên biên giới phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Bằng cách nắm bắt các cơ hội đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiềm năng, chúng tôi liên tục phát triển khách hàng chất lượng cao. Ngoài ra, đội ngũ có sự hiểu biết sâu sắc về thị trường địa phương và kiến thức ngành. Cho dù đó là các công ty Đài Loan mở rộng kinh doanh quốc tế, đầu tư tại địa phương ở Đông Nam Á hay thành lập nhà máy, chúng tôi có thể cung cấp các dịch vụ tùy chỉnh phù hợp, toàn diện.
- Ông nói CUB sẽ tận dụng chuyên môn kỹ thuật số để hỗ trợ khách hàng tại Việt Nam, việc này sẽ triển khai ra sao?
- Để có được khách hàng thông qua kênh kỹ thuật số, hệ thống thông tin và nhân tài là hai yếu tố then chốt. Nhằm đạt mục tiêu này, tập đoàn Cathay Financial Holdings đã thành lập Trung tâm Phát triển Cathay (CDC) tại Đài Trung, Đài Loan ba năm trước. Nơi đây có vai trò như một trụ sở đưa công nghệ của Cathay ra nước ngoài, hỗ trợ phát triển kỹ thuật số cho các chi nhánh và công ty con của Cathay tại Đông Nam Á. CDC tại Việt Nam đặt ở trụ sở tại TP HCM, vừa đi vào hoạt động trong tháng 12/2023. Trung tâm này tích hợp không gian "One IT", kết hợp tài năng kỹ thuật số và IT để tận dụng lợi ích từ nguồn lực địa phương.
CUB thành lập "Chương trình Học bổng Thạc sĩ Quốc tế" tại Đài Loan, tích cực tuyển dụng tài năng trẻ từ Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Lào. Sau hai năm học, họ có thể trở về quê hương làm việc tại chi nhánh của CUB. Điều này còn góp phần thúc đẩy sự phát triển và đổi mới kỹ thuật số trên thị trường Đông Nam Á.
Ngoài ra còn có chương trình "Kế hoạch ươm mầm đại thụ Việt Nam" (The Elevated Tree) cùng với Đài Loan để hỗ trợ và chăm sóc cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua chương trình này, chúng tôi phục vụ cộng đồng địa phương bằng cách chăm sóc và hỗ trợ cho học sinh, tạo động lực để các em trở thành nhân tài trong tương lai. Những nỗ lực này tạo ra một chu kỳ tích cực bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung.
Minh Tú