Gần một tháng sau, ông tuyên bố quốc gia đã chiến thắng đại dịch và mở cửa đón khách du lịch, bất chấp cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc thiếu thông tin cũng như sự yếu kém của hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Thiếu hụt dữ liệu, bất hợp tác với cộng đồng quốc tế khiến khu vực châu Phi đối mặt với tình trạng dịch bệnh lây lan "thầm lặng" trong cộng đồng. Một số nước không muốn thừa nhận sự nguy hiểm của virus hay để lộ thực tế về hạ tầng y tế lạc hậu. Số khác đơn giản là không thể thực hiện các xét nghiệm cần thiết bởi tình trạng xung đột và đói nghèo.
Với dân số 1,3 tỷ người, châu Phi chỉ ghi nhận hơn 493.000 trường hợp dương tính nCoV và 11.600 ca tử vong. Trong khi đó, Mỹ Latin, với dân số chỉ bằng một nửa, đã ghi nhận 2,9 triệu người mắc Covid-19 và 129.900 bệnh nhân thiệt mạng. Thoạt nhìn, nhiều người cho rằng dịch bệnh tại châu Phi đã suy yếu. Tuy nhiên, tình hình thực tế lại tồi tệ hơn nhiều.
![Nhân viên y tế tại Kenya lấy mẫu dịch ngoáy họng để xét nghiệm Covid-19 cho một tài xế địa phương, ngày 12/5. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2020/07/10/2020-07-08t104252z-2-lynxmpeg6-5221-6057-1594357282.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-tJ_yaewESIOVcxdlHSTBg)
Nhân viên y tế tại Kenya lấy mẫu dịch họng để xét nghiệm Covid-19 cho một tài xế địa phương, ngày 12/5. Ảnh: Reuters
Hôm 25/5, giáo sư Samba Sow, Giám đốc Trung tâm phát triển Vaccine của WHO, cảnh báo về "đại dịch thầm lặng" có thể lây lan ở châu Phi nếu khu vực này không ưu tiên thực hiện xét nghiệm.
Đến 7/7, tính trên mỗi một triệu người, 4.200 người châu Phi đã được kiểm tra y tế thấp hơn so với mức trung bình ở châu Á là 7.650 và châu Âu là 74.255.
Các cuộc phỏng vấn với hàng chục nhân viên y tế, nhà ngoại giao và giới chức địa phương còn cho thấy, một số chính phủ đã ngăn chặn tin tức về tỷ lệ lây nhiễm, ngay cả khi hành động này khiến họ mất đi các khoản viện trợ.
"Ở một số nước, họ tổ chức các cuộc họp mà không mời chúng tôi. Đáng nhẽ chúng tôi phải là cố vấn chuyên môn chính", Michel Yao, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO tại châu Phi, cho biết.
Đối với Tanzania, tình hình ngày một căng thẳng. Đất nước ghi nhận ca nhiễm đầu tiên hôm 16/3. Đến ngày tiếp theo, chính phủ đã triệu tập phái đoàn phối hợp trả lời câu hỏi từ các đại sứ nước ngoài, cơ quan viện trợ và tổ chức quốc tế, bao gồm WHO.
Tuy nhiên sau đó, phát đoàn cắt đứt liên lạc với các cơ quan nói trên. Chính quyền nước này cũng vắng mặt trong hàng chục buổi họp quốc tế về đại dịch.
"Rõ ràng là họ không muốn có thêm bất cứ thông tin nào liên quan đến tình hình Covid-19", thành viên của một tổ chức viện trợ cho biết.
Kể từ 8/5, Tanzania đã không còn công bố số dữ liệu về các ca mắc mới, khi số trường hợp dương tính vừa chạm mốc 509. Vài ngày trước đó, Tổng thống Magufuli từ chối các kit xét nghiệm được nhập khẩu từ nước ngoài với lý do chúng bị lỗi và cho kết quả dương tính giả.
Các tổ chức quốc tế đã viện trợ khoảng 40 triệu USD cho khu vực này để đẩy mạnh công tác phòng ngừa và kiểm soát Covid-19. Tuy nhiên, sự thiếu hợp tác đã khiến Tanzania bỏ lỡ hàng chục triệu USD khác.
Trong khi đó, nhiều quốc gia, dù muốn, cũng không thể chủ động chia sẻ thông tin dịch tễ. Hệ thống y tế của họ quá nghèo nàn, lạc hậu để thực hiện xét nghiệm, giám sát hoặc truy dấu liên lạc quy mô lớn.
"Ngay ở thời điểm lý tưởng nhất, việc thu thập dữ liệu ở những nước này cũng quá khó khăn. Kết hợp với tình trạng khẩn cấp hiện tại, nó trở nên nan giải hơn bao giờ hết", John Nkengasong, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi, nhận định.
![Một bé trai đứng trước bức tường khẩu hiệu chiến thắng nCoV tại khu ổ chuột ở Nairobi, Kenya, ngày 22/5. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2020/07/10/2020-07-08T104252Z-2-LYNXMPEG6-5836-8618-1594357282.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mzB0Nb1oprKOG-FCytFh-g)
Một bé trai đứng trước bức tường khẩu hiệu chiến thắng nCoV tại khu ổ chuột ở Nairobi, Kenya, ngày 22/5. Ảnh: Reuters
Tình cảnh xung đột tại các khu vực như Burkina Faso, Niger và Mali khiến chính phủ không thể nắm được bức tranh toàn cảnh về sự lây lan của virus.
Giống với những quốc gia khác, Burkina Faso đối mặt với việc khan hiếm đồ bảo hộ. Y bác sĩ không thể thực hiện đủ số lượng xét nghiệm cần thiết đối với người nhập cảnh. Điều này cũng có nghĩa, rất ít dữ liệu y tế được báo cáo ở phạm vi địa phương.
Cameroon và Nigeria khắc phục bằng cách mở các trạm kiểm tra lưu động. Song những nước khác không đủ khả năng làm điều này bên ngoài thủ đô.
Trong khi đó, Congo phải chiến đấu với cả dịch Ebola và Covid-19 cùng lúc.
Nam Phi, nơi có nền kinh tế tiên tiến nhất lục địa, là một trong số ít khu vực đủ năng lực triển khai xét nghiệm đại trà. Tuy nhiên, số mẫu bệnh phẩm còn tồn đọng, chưa được xử lý kể từ 10/6 là 63.000, bởi các nhà phân phối không đáp ứng nhu cầu về dụng cụ.
Đứng trước tình trạng thiếu hụt dữ liệu ở nhiều nơi trên thế giới, các nhà nghiên cứu chuyển hướng sang xem xét số ca tử vong vượt quá mức trung bình thường niên, nhằm đánh giá độ lây lan của Covid-19. Song ngay cả điều này cũng là bất khả thi ở châu Phi, bởi các dữ liệu từ năm trước còn thiếu hụt.
Theo Amanda McClelland, chuyên gia của tổ chức Resolve to Save Lives, khan hiếm thông tin về dịch bệnh có thể khiến các quốc gia gỡ bỏ lệnh hạn chế quá sớm, hoặc duy trì chúng quá lâu, về lâu dài đều ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội.
Thục Linh (Theo Reuters)