Ngày 12/5, lãnh đạo UBND Hà Nội cùng Liên đoàn lao động thành phố tổ chức đối thoại với công nhân tại 8 khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Nhiều thắc mắc liên quan đến chính sách nhà ở, xây dựng nhà trẻ, chế độ bảo hiểm, trợ giá tiền điện sinh hoạt... được lãnh đạo thành phố tiếp thu, giải đáp.
![doithoai-7378-1431427250.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/05/12/doithoai-7378-1431427250.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8v-jh9nOvlLh6HecGtAqjg)
Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, tổ chức đối thoại với công nhân để nắm bắt tình hình và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp. Ảnh: T.H.
Chị Phạm Thị Vân Anh, đại diện cho hơn 20.000 công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam, kiến nghị thành phố nghiên cứu, triển khai đề án xây dựng nhà ở thu nhập thấp để bán trả góp. Mức lương công nhân hiện nay thấp, chưa đủ lo cho cuộc sống hàng ngày. Họ không có tích lũy, khi có con cái cũng như khi đau ốm không dám nghĩ đến chuyện mua nhà.
Dù công ty Canon đã đứng ra thuê một số nhà cho lao động tại khu nhà ở công nhân Kim Chung (Bắc Thăng Long), nhưng mới đảm bảo được nhu cầu cho hơn 2.000 người. Các công nhân khác vẫn phải đi thuê nhà ở quanh khu công nghiệp. Lương bình quân của công nhân khoảng 5 triệu đồng, mỗi tháng bỏ ra từ 500.000 đến gần 1 triệu đồng tiền thuê nhà.
"Chúng tôi rất mong thành phố quan tâm, xây nhà xã hội bán trả góp ưu đãi tương tự như Bình Dương, căn hộ 30 m2, giá tiền từ 90 triệu đến 150 triệu đồng cho công nhân, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh thuê", chị Vân Anh bày tỏ.
Chung ý kiến trên, ông Vũ Viết Tâm, giám đốc một doanh nghiệp đóng tại khu công nghiệp Quang Minh cho biết, ở khu này có 135 doanh nghiệp với hàng chục nghìn công nhân. Phần lớn là lao động trẻ, mới xây dựng gia đình, có con nhỏ, hiện vẫn đi thuê nhà ở các thôn xóm. Nếu công nhân có điều kiện mua được nhà thu nhập thấp, ổn định cuộc sống thì sẽ yên tâm làm việc, nâng cao năng suất lao động, sản xuất nhờ đó mà phát triển hơn.
Ông Tâm nêu ý kiến ngoài việc cần triển khai dự án nhà ở thu nhập thấp, lãnh đạo thành phố nên quan tâm đến việc xây thêm các khu vui chơi, giải trí cho công nhân khi xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất. "Ở công ty tôi vẫn còn một mảnh đất nhỏ chưa dùng đến nên xây tạm một sân chơi bóng cho công nhân. Hiện nay, ngoài nhà xưởng và phòng trọ, người lao động hầu như không biết đến nơi nào khác. Họ đi làm cả ngày, buổi tối không có hoạt động vui chơi giải trí, nhận thức của người lao động cũng vì thế mà kém đi, chưa kể đến an ninh trật tự không được đảm bảo, nảy sinh tệ nạn xã hội", ông Tâm phân tích.
Ngoài nhà ở thu nhập thấp, đa số công nhân mong muốn có nhà trẻ, bệnh viện, siêu thị, nhà văn hóa công nhân ở mỗi khu công nghiệp, để họ được giao lưu văn hóa, yên tâm gửi con đi làm. Một nữ công nhân Công ty Singlun cho biết, ở chỗ chị làm việc, 85-90% chị em ở độ tuổi sinh nở, hơn một nửa trong số ấy nuôi con nhỏ. Các gia đình công nhân phải gửi con ở điểm trông trẻ tư thục, rất không đảm bảo.
![congnhan2-2686-1431427250.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/05/12/congnhan2-2686-1431427250.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0xPJQtyWXvH6m3976_D84w)
Nhiều công nhân bày tỏ mong muốn thành phố Hà Nội lập đề án xây dựng nhà ở thu nhập thấp bán cho công nhân. Ảnh: T.H.
Giải đáp thắc mắc về nhà ở thu nhập thấp cho công nhân, ông Trần Việt Chung, Phó giám đốc sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc dành và bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân hiện nay gặp khó khăn. Khi xác định quỹ đất phải đảm bảo nhu cầu thực tế nhà ở công nhân, quy hoạch đô thị, kế hoạch sử dụng đất của thành phố, địa phương, cần có thời gian và sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, ngành. Chưa kể, quỹ đất ở các khu công nghệ cao thuộc sự quản lý của các bộ, ngành. "Hiện, thành phố không còn quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân trong một số khu, cụm công nghiệp do đã hoạt động ổn định", ông Chung thông tin.
Đến nay, Hà Nội đã dành và bố trí hơn 228 ha đất với 12 dự án xây dựng nhà ở công nhân. Trong đó, có 2 dự án tại xã Kim Chung (Đông Anh) được thành phố chủ động đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách với khoảng 8,8 ha đất. Theo chương trình phát triển nhà ở của Hà Nội giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030, Sở Xây dựng đã và sẽ tiếp tục tham mưu cho thành phố để chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng, xây dựng những chương trình phát triển nhà ở của thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND Hà Nội cho hay lãnh đạo thành phố đã nhận được hơn 40 ý kiến của các doanh nghiệp cũng như công nhân thuộc các nhóm vấn đề như xây dựng nhà ở thu nhập thấp, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý an ninh trật tự tại các khu công nghiệp... Ông Tuấn đề nghị ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất tiếp thu tất cả, phân loại và báo cáo về UBND. Từ đó, thành phố giao các đơn vị liên quan giải quyết kiến nghị, thắc mắc cho công nhân, doanh nghiệp nhanh và có hiệu quả nhất.
"Thời gian tới, lãnh đạo thành phố sẽ thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với công nhân để lắng nghe đầy đủ, kịp thời ý kiến của người lao động, tạo điều kiện cho Hà Nội trở thành môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi đối với các doanh nghiệp", ông Tuấn nói.
Thanh Hòa