Petra biết đến serie truyền hình dài hàng nghìn tập của Ấn Độ gây sốt thời gian qua - Cô dâu 8 tuổi. Cô cũng biết cả làn sóng phim thần tượng Hàn Quốc, vẫn mong ước tới đây để ăn thịt nướng với kim chi và du ngoạn đảo Jeju.
Lúc tôi hỏi về Việt Nam, Petra nói chỉ biết tới đất nước này qua các bộ phim như Full Metal Jacket, Platoon hay Apocalypse Now - những tác phẩm từ thập niên 1980 nói về chiến tranh Việt Nam (nhưng lại quay ở Philippines và Anh). Cô chưa biết Việt Nam là bối cảnh chính của Kong: Skull Island - bộ phim mới nhất về quái thú huyền thoại - cho tới khi tôi kể.
Việc quảng bá du lịch qua văn hóa, nghệ thuật đã được Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines hay nước láng giềng Thái Lan tận dụng từ hàng chục năm nay. Những điểm đến như đảo Jeju, Tokyo hay Phuket trở nên thu hút khách du lịch sau khi xuất hiện trong rất nhiều bộ phim.
Nhiều người đang kỳ vọng Kong là một cú hích để du lịch Việt Nam cất cánh. Nhưng sự thực thì thế nào? Tôi lướt qua gần 20 tờ báo ở Đức - một trong những thị trường lớn nhất châu Âu - có nhắc tới hay review bộ phim này, chỉ duy nhất một tờ đề cập đúng một câu tới địa điểm quay phim. Câu đó là: “Những cảnh trong phim được quay tại Hawaii, Việt Nam và Australia”, không kèm theo lời bình luận nào.
Khung cảnh Việt Nam xuất hiện nhiều nhưng không được coi là một nhân vật trong phim. Chúng ta có rất nhiều cơ hội đưa cảnh đẹp Việt Nam đến với thế giới khi Kong: Skull Island đang đổ bộ hàng chục nghìn rạp chiếu khắp toàn cầu dịp này. Nhưng về lâu dài khi tác phẩm này hoàn thành nhiệm vụ “hốt bạc” ở các rạp chiếu thì sẽ thế nào? Kong đi theo dòng phim giải trí điển hình của Hollywood hiện nay - dễ xem, dễ thích nhưng có thể quên ngay khi xem xong và được làm ra với mục đích chính là “thu tiền”. Điều đó có thể thấy rõ ở chất lượng nội dung trung bình, nhân vật có tính cách đơn giản, chỉ tập trung vào phần kỹ xảo với nhiều cảnh hành động.
Khi Kong rời rạp chiếu, bối cảnh Việt Nam có còn ai nhớ đến hay sẽ chìm nghỉm như vô số cảnh đẹp khác từng xuất hiện trong các phim Hollywood?
Transformers cũng là loạt phim mà mỗi tập thu về đến hàng tỷ USD. Nhưng có mấy ai nhớ được nội dung của từng phần là gì? Là một người theo dõi phim rất sát nhưng tôi thậm chí còn không nhớ là phần hai từng quay ở Ai Cập, Jordan và phần ba có nhiều cảnh quay ở Nga. Thứ duy nhất tôi nhớ về series này là các màn giao đấu phô diễn kỹ xảo của robot. Tương tự với Kong: Skull Island, liệu khán giả quốc tế có nhớ đến cảnh đẹp Việt Nam xuất hiện trong phim hay sẽ chỉ ấn tượng với các màn chiến đấu ngập kỹ xảo của Kong?
Những ngày này, người ta nói nhiều về loạt phim The Lord of the Rings và The Hobbit của đạo diễn Peter Jackson, đã thay đổi cả nền du lịch New Zealand (bối cảnh chính của cả hai series này) khi lượng khách tới đây tăng 50% từ khi tập phim đầu tiên ra mắt năm 2001. Nó là một ví dụ cho thấy sức mạnh của Hollywood trong kích cầu du lịch.
Nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế. Hãy cứ tạm tin vào giả thuyết: câu hỏi “Đây là đâu?” xuất hiện trong đầu đa số khán giả. Khách du lịch tới Việt Nam tăng ngay lập tức nhờ vào Kong. Sau đó thì sao?
Sau đó, Kong sẽ đi vào huyền thoại điện ảnh, đoạt 17 tượng vàng Oscar, đạt tổng doanh thu toàn cầu gần 6 tỷ USD, và du lịch Việt Nam sẽ liên tục hưởng lợi năm này qua năm khác?
Tất nhiên đó là chuyện viễn tưởng, là kịch bản xảy ra với The Lord of the Rings (và phần nối tiếp, The Hobbit), đó là kịch bản của New Zealand. Đó là kịch bản của một siêu phẩm điện ảnh có một không hai trong lịch sử thế giới.
Còn để đi tìm kịch bản cho Kong, hãy nhìn sang nước bạn Thái Lan. Có hơn 500 phim nước ngoài được quay mỗi năm tại nước này. Và họ vẫn cảm thấy không đủ. Bởi vì khác với Lord of the Rings, các “bom tấn” giải trí rồi sẽ qua đi, và người Thái biết rằng họ sẽ phải tìm các cơ hội quảng bá mới. Bà Sasisupa Sungvaribud, Chủ tịch Hiệp hội cung ứng dịch vụ cho điện ảnh nước ngoài của Thái nói: “Hàn Quốc có thể hoàn thuế tới 25% tổng chi phí quay phim tại nước họ. Nếu Thái Lan không ưu đãi, họ sẽ đi nơi khác”. Hơn 500 phim mỗi năm, trong đó là vô số “bom tấn”, và giờ họ vẫn cảm thấy mình đang bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Nếu nhìn nhận Kong là một cơ hội, thì bây giờ là lúc xây dựng một hệ thống chính sách, thậm chí là hệ sinh thái doanh nghiệp để phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm giải trí lấy bối cảnh Việt Nam, để có thêm hàng trăm bộ phim lớn được quay tại nước ta.
Không biết, các nhà quản lý, các hiệp hội tổ chức có chung quan điểm với tôi? Chỉ biết, sau Kong, giờ khắp nơi đang bàn tán về kế hoạch dựng tượng Kong tại bờ Hồ như một "sáng kiến" đột phá về tư duy với hy vọng về một cơn sốt du lịch ngắn hạn.
Tất nhiên, trong sự hứng khởi mang tên Koong, chúng ta có thể bỏ qua chi tiết: 15 năm sau cơn sốt “Người Mỹ trầm lặng”, đoàn làm phim Kong vẫn gặp khó khi đưa một chai nước đạo cụ vào Việt Nam chỉ vì lý do... kiểm dịch.
Mai Như Ngọc