![Đạo diễn Ấn Độ Vikas Bahl (ngoài cùng bên trái), người bị cáo buộc tấn công tình dục một nữ diễn viên vào năm 2015. Ảnh: BBC.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/10/09/anh-3-7068-1539069476.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2I8oGQqOTovtHb6Vf8kwTA)
Đạo diễn Ấn Độ Vikas Bahl (ngoài cùng bên trái), người bị cáo buộc tấn công tình dục một nữ diễn viên vào năm 2015. Ảnh: BBC.
Một loạt diễn viên hài, nhà báo, tác giả, diễn viên và các đạo diễn phim ở Ấn Độ đã bị vạch trần khi nhiều phụ nữ liên tục thông qua Twitter để tố cáo họ quấy rối và tấn công tình dục, theo BBC.
Không giống như ở Mỹ, phong trào #MeToo ở Ấn Độ không được thúc đẩy bởi báo chí điều tra. Thay vào đó, đây là một phong trào tự phát và được khuếch đại bởi câu chuyện của chính các nhà báo, nhờ đó nó thực sự thu hút sự chú ý của truyền thông Ấn Độ.
Rất khó để nói điều gì đã châm ngòi cho những cáo buộc nhưng có vẻ mọi thứ bắt đầu hôm 4/10, khi một nữ diễn viên hài trẻ tuổi cáo buộc Utsav Chakraborty, nam diễn viên hài 33 tuổi, gửi cho cô bức ảnh bộ phận nhạy cảm của người này. Thêm nhiều cáo buộc được đưa ra sau đó khi những phụ nữ khác bình luận dưới bài đăng của cô hoặc chia sẻ những tin nhắn riêng tư với cô (phần tên đã được làm mờ). Những phụ nữ này cho biết Chakraborty đã gửi ảnh bộ phận nhạy cảm hoặc gạ gẫm họ tự chụp ảnh khỏa thân.
Chakraborty, người thừa nhận cáo buộc trong một loạt bài đăng Twitter, đã xin lỗi vào ngày hôm sau. Từ đó, nhiều phụ nữ, trong đó có nhiều nhà báo, bắt đầu chia sẻ câu chuyện về quấy rối tình dục và tấn công tình dục.
Ba ngày sau, hashtag #MeToo trở nên phổ biến ở Ấn Độ khi nhiều diễn viên hài, phóng viên, biên tập viên cấp cao, tác giả nổi tiếng, diễn viên và đạo diễn bị vạch trần. Đây không phải lần đầu tiên những người bị cáo buộc quấy rối tình dục ở Ấn Độ bị công khai danh tính. Năm 2017, một sinh viên luật công bố trên Facebook danh sách gây tranh cãi cáo buộc hơn 50 giáo sư từng có hành vi quấy rối, tấn công tình dục phụ nữ.
#MeToo trong ngành truyền thông, Bollywood
Các nữ nhà báo có lẽ đóng vai trò lớn nhất cho đến nay khi những người bị vạch trần đều là phóng viên, biên tập viên cấp cao, tác giả và thậm chí là một thẩm phán tòa thượng thẩm.
Những cáo buộc đã được đưa lên trang nhất của những tờ nhật báo quốc gia, khiến các hãng tin tức không chỉ chú ý mà còn hành động phản ứng. Ít nhất một tờ báo lớn cam kết điều tra sau khi 7 phụ nữ cáo buộc một trong những biên tập viên cấp cao của tờ này quấy rối tình dục và đe dọa hủy hoại sự nghiệp nếu họ không chấp thuận. Tờ báo khác thông báo một biên tập viên cấp cao bị cáo buộc công khai đã từ chức.
"Có những biên tập viên đã lợi dụng quyền lực và ảnh hưởng để đề nghị và quấy rối tình dục phụ nữ trẻ nhưng bây giờ một số trường hợp đã bị vạch trần", theo BBC.
Nhà báo Sandhya Menon, người đã tố cáo hai biên tập viên cấp cao quấy rối tình dục cô, cũng công khai một số câu chuyện bị quấy rối và tấn công tình dục của những phụ nữ khác. Kể từ đó, nhiều phụ nữ mạnh dạn chia sẻ câu chuyện của họ, có những câu chuyện đã từ nhiều năm trước. Đây là dấu hiệu cho thấy lần đầu tiên các nạn nhân tin rằng mọi người đang lắng nghe họ.
"Họ đang dùng ngôn từ, điện thoại và máy tính để nói lên sự thật của chính họ và được lắng nghe", luật sư tòa án tối cao Karuna Nundy nói. Nundy cho biết đó là một hình thức "bất tuân dân sự" vì nạn nhân đã mất niềm tin vào công lý nên họ tự hành động.
Bollywood, kinh đô điện ảnh của Ấn Độ, cũng đã gia nhập phong trào #MeToo. Hồi tháng 9, nữ diễn viên Tanushree Dutta tố cáo diễn viên kỳ cựu Nana Patekar tấn công tình dục cô. Đó cũng là lần đầu tiên một cáo buộc như vậy thu hút sự chú ý của nhiều người trong ngành công nghiệp điện ảnh. Patekar liên tục phủ nhận những cáo buộc này, gọi đó là "lời nói dối".
![Diễn viên kỳ cựu của Ấn Độ Nana Patekar. Ảnh: BBC.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/10/09/anh-2-4825-1539069476.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ngRdbMv7SiOZoR8zKpyiPQ)
Diễn viên kỳ cựu của Ấn Độ Nana Patekar. Ảnh: BBC.
Ngày 6/10, tờ HuffPost Ấn Độ công bố cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng cáo buộc đạo diễn Vikas Bahl tấn công tình dục một nữ diễn viên vào năm 2015 và đạo diễn nổi tiếng Anurag Kashyap, biết rõ hành vi sai trái của Bahl nhưng không có hành động gì. Bahl phủ nhận cáo buộc và không bình luận công khai về bài báo của HuffPost.
Các nữ diễn viên trước đây thường không nêu đích danh kẻ quấy rối hoặc cáo buộc của họ không trở thành một phần trong phong trào #MeToo nhưng hiện nhiều thứ đã thay đổi. Mặc dù nhiều người cáo buộc vẫn giấu tên nhưng đây là lần đầu tiên ở Bollywood, nạn nhân dám công khai danh tính kẻ tấn công mình.
Kashyap đã đưa ra lời xin lỗi, cam kết những việc tương tự "sẽ không bao giờ xảy ra lần nữa" tại nơi làm việc của ông. Đây không phải sự phát triển nhỏ trong ngành công nghiệp từ lâu đã bị chỉ trích vì bóc lột phụ nữ cả trên màn ảnh lẫn hậu trường. Phantom, một công ty làm hậu kỳ phim do Kashyap, Bahl và hai người khác thành lập, bị giải thể hôm 6/10.
Sự đồng lõa và đồng thuận
Các cáo buộc được đưa ra đối với những hành vi từ chạm mặt có ý đồ, hành động gợi dục, gửi tin nhắn gạ gẫm cho tới các động thái gạ tình trắng trợn và tấn công tình dục. Điều này khiến một số phụ nữ đề nghị những người khác phải thận trọng trước khi vạch trần ai đó trên Twitter, tránh trường hợp tố cáo những hành vi không đáng kể.
Nhưng điều này cũng dẫn đến chỉ trích từ một số phụ nữ khác, những người cho rằng cần có một định nghĩa xác đáng hơn về sự đồng thuận. Theo họ, đây là thời điểm để lắng nghe, sàng lọc những câu chuyện và tự xem xét hơn là nói với phụ nữ cách trình bày những gì đã xảy ra với họ.
Những người bị cho là đồng lõa cũng phải bị nêu danh. Chẳng hạn, nhóm hài nổi tiếng nhất Ấn Độ All India Bakchod đã bị chỉ trích vì hợp tác với Chakraborty. Người đồng sáng lập Tanmay Bhatt, thừa nhận cáo buộc biết sự việc nhưng không tố cáo, đã từ chức.
![Nhóm hài nổi tiếng nhất Ấn Độ All India Bakchod. Ảnh: BBC.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2018/10/09/anh-4-2122-1539069476.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-wrCdF-y2d7BqxVrPUZMWQ)
Nhóm hài nổi tiếng nhất Ấn Độ All India Bakchod. Ảnh: BBC.
Phong trào đã nổ ra và những cáo buộc sắp được đưa ra được dự đoán khá u ám. Nhiều người mô tả đây giống như một phong trào #MeToo của các nhà báo Ấn Độ, nhưng liệu nó có thực sự mạnh mẽ như phong trào đã lật đổ những người đàn ông quyền lực nhất ở Hollywood? Những cái tên bị bóc mẽ chỉ mới là những "con cá nhỏ". Liệu có chăng một Harvey Weinsteins (ông trùm Hollywood bị hàng loạt phụ nữ tố cáo tấn công tình dục trong 30 năm) của Bollywood vẫn chưa bị nêu danh?
Một danh sách những người bị cáo buộc tấn công tình dục và những lời kêu gọi vạch trần đã không được nhiều người ở Bollywood quan tâm trong nhiều năm qua. Ngoài ra, để nhiều người đứng ra tố cáo, đặc biệt những người không có bằng chứng, là điều không dễ dàng. Một số phụ nữ cung cấp ảnh chụp màn hình tin nhắn mà kẻ quấy rối gửi cho họ, khiến những người bị cáo buộc không cách nào chối bỏ. Tuy nhiên, cũng có những người bị đe dọa pháp lý và phải gỡ bỏ những bài tố cáo vì không đủ bằng chứng.
Huyền Lê