Tổng thống Colombia Gustavo Petro hôm nay thông báo hơn 1,3 triệu viên đạn cỡ 5,56 mm cùng hàng trăm nghìn viên đạn kích cỡ khác đã biến mất khỏi các kho chứa ở hai căn cứ tại thành phố Tolemaida và tỉnh La Guajira.
Giới chức các căn cứ cũng không tìm thấy hai tên lửa chống tăng dẫn đường Spike, 37 tên lửa không đối đất tầm xa Nimrod, hàng nghìn lựu đạn, đạn cối nhiều kích cỡ và 550 khẩu súng chống tăng RPG.
"Lời giải thích duy nhất là có những thành viên của lực lượng vũ trang tham gia vào mạng lưới buôn bán vũ khí bất hợp pháp", Tổng thống Colombia nói.
Ông Petro nhận định số vũ khí này có thể đã được chuyển cho các nhóm vũ trang tại Colombia, buôn lậu tới Haiti hoặc rao bán trên chợ đen quốc tế. Ông cho biết cơ quan tư pháp đã mở cuộc điều tra sự việc, thêm rằng đã ra lệnh triệt phá mọi mạng lưới tham nhũng trong lực lượng an ninh.
![Binh sĩ Colombia đứng gác tại thành phố Cerro Guali tháng 3/2023. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2024/05/01/123-8928-1714555471.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xazHX_jMTSml0-Nfw4xyog)
Binh sĩ Colombia đứng gác tại thành phố Cerro Guali tháng 3/2023. Ảnh: Reuters
"Tham nhũng không được xảy ra trong quân đội hay bất kỳ cơ quan nào. Đây là cách duy nhất để bảo đảm an toàn cho người dân và lực lượng vũ trang Colombia", ông Petro nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Ivan Velasquez thông báo một số quan chức đã bị cách chức do liên quan sự việc, thêm rằng quân đội sẽ tiến hành rà soát nhiều kho vũ khí trong thời gian tới.
Quân đội Colombia thuộc diện được trang bị tốt nhất trong khu vực, một phần nhờ được Mỹ viện trợ hàng tỷ USD để đối phó các băng đảng ma túy. Tuy nhiên, nhiều thành viên lực lượng an ninh Colombia đã bị kết tội tham nhũng và vi phạm nhân quyền trong những năm qua.
Bê bối lần này xuất hiện trong bối cảnh giao tranh bùng phát trở lại giữa quân chính phủ và nhóm vũ trang FARC-EMC tại khu vực tây nam Colombia. Đây là lực lượng tách ra khỏi Tổ chức vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) sau khi FARC ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ hồi năm 2016.
Sau khi nhậm chức năm 2022, ông Petro đã mở các cuộc đàm phán với những lực lượng nổi dậy còn lại, song giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra tại một số khu vực. Tính đến nay, xung đột tại Colombia đã kéo dài 6 thập kỷ và khiến tổng cộng 450.000 người thiệt mạng.
Phạm Giang (Theo Reuters, AP, BBC)