Khoản 1 Điều 10 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định người tham gia giao thông đường bộ phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định, chấp hành báo hiệu đường bộ và các quy tắc giao thông đường bộ khác.
Khoản 1, 2 Điều 11 Luật này quy định báo hiệu đường bộ bao gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; đèn tín hiệu giao thông; biển báo hiệu đường bộ; vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường; cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H; thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau:
a) Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
b) Tín hiệu đèn giao thông;
c) Biển báo hiệu đường bộ;
d) Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường;
đ) Cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang,
cột Km, cọc H;
e) Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.
Như vậy, người tham gia giao thông bắt buộc phải chấp hành việc nhường đường cho các phương tiện rẽ phải khi có biển chỉ dẫn, không phụ thuộc ở vị trí đó có làn đường riêng hay không (Thông thường ở những nơi được phép rẽ phải khi đèn đỏ thường được kẻ vạch mắt võng để người tham gia giao thông dễ nhận biết. Tuy nhiên, vì một số lý do nhất định như khu vực đó có khổ đường quá nhỏ, nếu kẻ vạch mắt võng có thể ảnh hưởng đến lưu lượng của các phương tiện rẽ trái hoặc đi thẳng nên không được sơn vạch mắt võng).
Về việc rẽ phải khi đèn đỏ, người điều khiển phương tiện chỉ được rẽ phải khi có đèn tín hiệu (đèn mũi tên màu xanh rẽ phải bật sáng) và/hoặc có biển chỉ dẫn được phép được rẽ phải khi đèn đỏ. Bên cạnh đó, phương tiện rẽ phải phải phù hợp với phương tiện mà đèn tín hiệu, biển báo cho phép, nếu không phù hợp có thể bị xử phạt. Ví dụ, đèn tín hiệu hoặc biển báo chỉ cho phép mô tô, xe máy rẽ phải thì các phương tiện khác như ô tô... nếu rẽ phải sẽ bị xử phạt theo quy định.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội