Người ta lượn khắp các con phố quen thuộc, phóng to từng góc ảnh, mong tìm thấy bóng dáng mình hay người thân trong quá khứ, vô tình được ống kính của Google ghi lại. Bản cập nhật Google Maps tuy đơn giản nhưng đã vô tình đánh thức khát khao sâu thẳm trong mỗi chúng ta: được chạm vào quá khứ.
Tôi cũng nhập cuộc. Chỉ một cú nhấp chuột, kéo biểu tượng hình người màu vàng thả xuống con đường cũ. Ngay lập tức, hiện ra trước mắt ngôi nhà thân quen, với mái ngói tường vàng, giàn hoa tigon vẫn rực rỡ chưa phai. Tay tôi run run, mắt dán vào bóng dáng gầy gò của một người đang ngồi đọc báo trước hiên: ông nội tôi.
Rồi tôi ngồi lì hơn nửa tiếng, đi dạo trên con đường làng qua những cú click chuột. Đoạn nào cũng thấy lạ. Cây cổ thụ đầu hẻm giờ đã thành quán cà phê máy lạnh. Bãi đất trống nơi chúng tôi từng chơi đá bóng ngày ấy giờ là công viên xanh mướt. Quán cóc bà Năm bán đồ ăn vặt cạnh trường tiểu học đã trở thành siêu thị mini sáng choang. Mới ngày nào tôi còn chân trần chạy trên con đường đất ấy, giờ nó đã thành đường nhựa với vỉa hè thẳng tắp.
Tôi cảm thấy chút trống trải...
Ra đời năm 2007, Street View ban đầu là dự án táo bạo của Google nhằm số hóa thế giới thực qua hình ảnh toàn cảnh 360 độ. Những chiếc xe gắn camera đặc biệt bắt đầu rong ruổi khắp các thành phố lớn, từ San Francisco đến Paris, Tokyo, ghi lại từng ngóc ngách đô thị. Công nghệ này không chỉ phục vụ mục đích bản đồ, mà còn trở thành kho lưu trữ hình ảnh khổng lồ về sự biến động của không gian sống của nhân loại. Những khoảnh khắc vô tình được ống kính xe Google, qua năm tháng ghi lại, bỗng trở thành cỗ máy thời gian đưa ta về quá khứ.
Street View giống như cỗ máy thời gian của Doraemon. Nó không đưa ta về những sự kiện trọng đại, mà đưa ta về những điều bình dị nhất: một quán cà phê quen thuộc góc phố nay đã đổi chủ, một rặng tre nay đã thành tòa nhà cao tầng, hay dáng của ai đó đang đi vội vã trong buổi sáng năm nào. Có người bồi hồi nhận ra hình ảnh người thân đã mất, có người bật cười khi thấy mình trong tấm ảnh chụp vội từ nhiều năm trước - lúc ấy còn trẻ, còn khác.
Điều thú vị là những hình ảnh này vốn không có chủ đích nghệ thuật. Chúng vô tình, thậm chí mờ nhòe, nhưng lại chân thực đến lạ. Khác với những bức ảnh tự chụp được chỉnh sửa kỹ càng, Street View là tấm gương phản chiếu đời sống nguyên bản, nơi ta không thể "tút tát" lại quá khứ.
Điều này không khỏi khiến tôi liên tưởng đến chiếc "Time Capsule" hay còn gọi là "Hộp thời gian" - một truyền thống gần trăm năm của Đại học Stanford. Ngay dưới hành lang lát đá của khuôn viên chính, có 125 "hộp thời gian" được chôn dưới sàn, mỗi hộp tượng trưng cho một khóa sinh viên tốt nghiệp trong suốt 125 năm qua. Mỗi năm, sinh viên năm cuối sẽ chọn một vị trí trên hành lang để gắn tấm bảng ghi năm tốt nghiệp, và bên dưới là chiếc hộp chứa những kỷ vật mang dấu ấn thời đại của họ.
Mỗi chiếc hộp thời gian chứa những món đồ nhỏ nhưng ý nghĩa, phản ánh đời sống sinh viên và tình hình xã hội thời đó, như thẻ sinh viên, ảnh kỷ yếu, sổ tay ghi chú, đĩa CD, băng cassette, đồ ăn vặt, đồ vật từ các buổi mít tinh hoặc tiệc tùng, thậm chí cả bảng mạch điện tử. Có sinh viên chọn những vật dụng tưởng chừng bình thường nhưng có thể biến mất trong tương lai, như cách gửi gắm thông điệp cho thế hệ sau.
Cơn sốt Street View khiến tôi tự hỏi: Tại sao chúng ta muốn nhìn lại quá khứ đến thế? Có lẽ vì trong nhịp sống hối hả, khi mọi thứ được cập nhật từng giây từng phút, con người dễ đánh mất cảm giác kết nối với chính mình. Những hình ảnh cũ nhắc nhở ta về hành trình đã qua, về những con người từng hiện diện trong cuộc đời, dù nay có thể đã xa.
Một nghiên cứu của Wildschut và các cộng sự - Nostalgia: Content, triggers, functions (Hoài niệm: Nội dung, tác nhân gợi nhớ, và chức năng - 2006) - cho thấy, khi con người cảm thấy buồn hay cô đơn, hoài niệm sẽ được kích hoạt như một cách để tăng kết nối xã hội, củng cố lòng tự trọng và tạo ra cảm xúc vui vẻ. Như vậy, hoài niệm không chỉ là nhớ lại quá khứ mà còn giúp ta cảm thấy bớt cô đơn, vững tâm hơn và tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống.
Street View hay "Hộp thời gian", suy cho cùng, cũng là lời nhắc về sự vô thường, sự liên tục thay đổi của sự vật sự việc. Những gì được ghi lại hôm nay, 10-20 năm sau sẽ lại trở thành kỷ niệm. Một góc phố đổi thay, một gương mặt không còn trẻ trung là sự biến đổi theo quy luật của cuộc sống. Có người xem xong cảm thấy tiếc nuối, nhưng cũng có người nhận ra mình đã trưởng thành hơn.
Trend săn ảnh cũ trên Street View rồi cũng sẽ qua đi, nhưng nó để lại một lời nhắc về sự trân trọng hiện tại, vì khoảnh khắc hôm nay sẽ trở thành quá khứ của ngày mai.
Trình Phương Quân