Hóa ra, họ cùng sống trong một ngôi nhà có nhiều hộ gia đình, chung nhau nhà vệ sinh. Sáng ra sinh hoạt lộn xộn, người ngồi đánh răng vướng kẻ đứng tiểu tiện, thế là đánh nhau.
Ký ức ấy khiến tôi nghĩ nhiều về những góc khuất của Hà Nội, những chuyện khó nói ở đất kinh kỳ.
Hà Nội xưa khá mất vệ sinh. Đường sá nhỏ hẹp, lát đá, không có vỉa hè, cống rãnh lộ thiên. Nhà phần lớn là tranh tre, sau lưng nhà là những khoảng ao tù. Nước sinh hoạt cũng như vệ sinh hàng ngày thải trực tiếp ra các ao này.
Năm 1884, bác sĩ Hocquard trong cuốn "Một chiến dịch ở Bắc Kỳ" (xuất bản tại Paris 1892), đã mô tả một buổi sáng bên Hồ Gươm, mà lúc đó người Pháp gọi là Hồ Nhỏ - Petit Lac: "Trên bờ Hồ Nhỏ, rất đông người dân bản địa đang thực hiện nghi lễ buổi sáng: người An Nam nào cũng rửa chân, rửa mặt và súc miệng mỗi sáng. Những bà cụ, lưng đeo giỏ và tay cầm một loại xẻng cán dài, đi dọc theo các dãy nhà, phụ trách việc dọn dẹp đường sá. Họ cẩn thận thu gom tất cả rác thải, xương ăn dở, và đặc biệt là phân người, mà nông dân từ các làng lân cận sẽ mua của họ với giá hời để bón cho ruộng".
Những dòng mô tả chi tiết của vị bác sĩ người Pháp cho ta biết tình trạng vệ sinh của Hà Nội khi đó khá tệ, và chắc chắn là chưa có nhà vệ sinh công cộng. Khi bắt tay vào xây dựng Hà Nội theo tiêu chuẩn đô thị châu Âu, người Pháp nắn lại các tuyến phố, xây dựng vỉa hè, xây cống ngầm thoát nước, cấm việc đại tiểu tiện ra ao hồ và nơi công cộng như trước. Các nhà dân mới xây bắt buộc phải có nhà vệ sinh riêng. Các công sở và biệt thự có nhà vệ sinh tự hoại đầu tiên, người Hà Nội gọi là "xí máy", đi vệ sinh xong là giật nước trôi đi.
Những nhà vệ sinh công cộng đầu tiên được xây ở cạnh Hồ Gươm, Cửa Nam, ga Hàng Cỏ. Những tuyến phố có vỉa hè rộng và không có nhà dân cũng có nhà vệ sinh công cộng. Trên vỉa hè đối diện nhà tôi ở phố Quán Sứ có một cái như vậy, xây áp lưng vào tường nhà thương Phủ Doãn.
Cảnh sát có nhiệm vụ đi bắt người tiểu bậy. Tuy nhiên việc này bị nhiều nhà thơ nhà văn thời ấy chế giễu, có lẽ trong tư tưởng lúc ấy vẫn cho rằng tiêu tiểu thế nào là quyền tự do của mỗi người.
Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, chuyện vệ sinh của Hà Nội chưa có nhiều tiến bộ. Thời chống Mỹ, các hầm tránh bom xây quanh Hồ Gươm cũng như ở nhiều ngõ phố khác đã trở thành nơi giải quyết nhu cầu vệ sinh cấp bách, mùi xú uế nồng nặc, khi có báo động máy bay, người dân phải nhịn thở chui vào tránh bom.
Sau hòa bình lập lại, các hầm tránh bom được phá dỡ đi, người dân lại mất chỗ đi vệ sinh!
Nhà vệ sinh công cộng xây mới rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay. Các khu đất trống quanh Hồ Gươm được xây khách sạn nhà hàng sang trọng, không ai nhớ đến nhu cầu vệ sinh công cộng của người dân.
Tình hình vệ sinh nhà dân cũng không khá hơn mấy. Hiện nay tất cả nhà dân trong khu vực phố cổ đã chuyển sang vệ sinh tự hoại tiên tiến, nhưng diện tích chật hẹp. Một ngôi nhà xưa kia của một gia đình, nay ngăn chia cho hàng chục hộ sinh sống, lối vào tối tăm như đi vào một cái hang, nhiều hộ dân chung nhau một nhà vệ sinh bé tý, vô cùng bất tiện. Đã có nhiều va chạm trong sinh hoạt như tôi vừa kể ở phía trên.
Hồ Gươm và khu phố cổ là trung tâm du lịch, người đến rất đông nên việc đáp ứng nhu cầu vệ sinh cho khách luôn là vấn đề nan giải. Chính quyền đã có nhiều cố gắng nhưng lực bất tòng tâm do quỹ đất để xây dựng không còn. Vào ngày thường tôi đã thấy du khách xếp hàng trước các nhà vệ sinh công cộng ít ỏi, thì lúc lễ hội còn căng thẳng tới mức nào.
Không riêng gì Hà Nội, các thành phố lớn trên thế giới cũng gặp nhiều khó khăn trong đáp ứng nhu cầu này của khách du lịch. Ngay ở Paris cũng có tình trạng du khách đi tiểu bừa bãi nơi công cộng. Chính quyền thành phố đã có sáng kiến lắp thêm các điểm toilet lộ thiên ngay trên hè phố, các thùng có chứa rơm khô để hút nước. Ở Amsterdam, những người hướng nội chắc sẽ đỏ mặt khi thấy du khách sử dụng các nhà vệ sinh lộ thiên, hầu như không có che chắn gì. Các sáng kiến này cũng bị nhiều người dân sở tại phản đối, nhưng chúng có ưu điểm là giải quyết nhanh tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng.
Dù vậy mật độ nhà vệ sinh công cộng ở các nước châu Âu nói chung là rất cao, được vận hành tốt. Ở gần các điểm du lịch, các nhà vệ sinh được xây ngầm dưới đất, không ảnh hưởng tới cảnh quan cũng như tránh ảnh hưởng của thời tiết. Các điểm vệ sinh công cộng này về cơ bản là miễn phí, kinh phí duy trì do thành phố trợ cấp.
Trở lại nhà vệ sinh công cộng của trung tâm Hà Nội, ai cũng thấy là quá ít so với lượng khách du lịch (cả thành phố chỉ có khoảng 350 cái, phân bố thiếu hợp lý). Nhiều du khách có nhu cầu, đành phải vào các cửa hàng, quán cà phê xung quanh, gọi tạm một món để có quyền sử dụng nhà vệ sinh. Chắc chắn đó là những kỷ niệm không mấy dễ chịu của họ khi nhớ về chuyến đi này.
Giải pháp tạm thời để đáp ứng nhu cầu vệ sinh trong mùa lễ hội vẫn là lắp đặt nhanh toilet di động ở các tuyến phố nhỏ dẫn ra Hồ Gươm, có đủ nguồn nước sạch và người trực phục vụ.
Một giải pháp khác - thành phố vừa kêu gọi các nhà hàng, khách sạn và nhà dân chia sẻ miễn phí nhà vệ sinh cho du khách. Nếu điều này thực hiện được thì rất đáng quý, giúp cải thiện ngay số lượng nhà vệ sinh đồng thời ghi điểm thân thiện trong mắt khách phương xa. Tuy nhiên phải nói thật, làm được việc này là vô cùng khó. Do nhiều nguyên nhân (cả vấn đề an ninh lẫn vệ sinh), mấy ai sẵn lòng cho người lạ vào nhà mình, nhất là nhà mình cũng còn nhỏ hẹp. Cũng như thế, liệu mấy cái khách sạn sang trọng quanh Hồ Gươm có sẵn lòng thực hiện lời kêu gọi này của thành phố.
Hà Nội có thể học tập một sáng kiến của Đức có tên Nette Toilette, hay Nice Toilet, trả cho các nhà hàng và cửa hàng khoản trợ cấp hàng tháng từ 64 đến 107 USD để đổi lấy việc cho phép mọi người sử dụng nhà vệ sinh của họ.
Trong tương lai khi tuyến đường sắt đô thị chạy ngầm qua khu vực Hồ Gươm, rồi các dự án phát triển không gian ngầm khu vực quanh hồ được thực hiện, vấn đề nhà vệ sinh công cộng cho khu vực này có hy vọng được giải quyết triệt để. Trước mắt thành phố nên xây dựng nhiều nhà vệ sinh công cộng quy mô nhỏ dưới mặt đất quanh Hồ Gươm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của du khách. Những tổ hợp vệ sinh như vậy, không phức tạp về kỹ thuật, không ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực, có thể thi công được ngay.
Chú ý đến từng chuyện khó nói, nhỏ nhất của du khách, Hà Nội mới thật sự trở thành điểm đến được nhiều người yêu mến.
Quan Thế Dân