Kênh truyền hình Trung Quốc CCTV-7 hôm 14/8 chiếu phóng sự cho thấy bom dẫn đường Thiên lôi 500 do Tập đoàn Công nghiệp phương Bắc Trung Quốc (NORINCO) chế tạo.
"Loại vũ khí này rõ ràng có thiết kế tương đồng với bom liệng AGM-154 JSOW của Mỹ, trong đó phần đuôi gần như giống hệt với 6 cánh nhỏ. Phần mũi bom Thiên lôi 500 có vẻ kém phức tạp hơn vũ khí Mỹ", nhà phân tích quân sự Jamie Hunter nói.
![Bom dẫn đường Thiên lôi 500 xuất hiện trong chương trình phát sóng hôm 14/8. Ảnh: CCTV.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/08/19/thien-loi-500-1-8758-1597825366.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XFg11a1jiSUQqhSPxxzTtg)
Bom dẫn đường Thiên lôi 500 xuất hiện trong chương trình phát sóng hôm 14/8. Ảnh: CCTV.
Truyền thông Trung Quốc cho hay Thiên lôi 500 có thể dùng hệ thống dẫn đường vệ tinh hoặc đầu dò laser để phân tán bom con, giúp tăng phạm vi tấn công. Nó được thiết kế để tấn công đường băng và máy bay trên các sân bay, các cơ sở năng lượng và đội hình bộ binh lớn. "Mỗi quả Thiên lôi 500 có thể mang tới 240 bom con trong thân, đủ sức phủ kín khu vực rộng đến 6.000 mét vuông", kỹ sư của NORINCO nói.
Thiết kế mang bom con cho thấy Thiên lôi 500 có nhiệm vụ tương đồng với bom thông minh AGM-154A ra đời hồi thập niên 1990 của Mỹ. Mỗi quả AGM-154A có thể chứa 145 bom con và từng được sử dụng trong nhiều chiến dịch quân sự của Mỹ, nhưng đã bị loại khỏi biên chế sau khi chính quyền cựu tổng thống George W. Bush ra chỉ thị mới về sử dụng bom chùm hồi năm 2008.
Bom Thiên lôi 500 được thiết kế với mặt cắt vuông để giảm tiết diện phản xạ radar, gây khó khăn cho nỗ lực phát hiện và đánh chặn của đối phương. Một kỹ sư NORINCO nói bom Thiên Lôi 500 có cánh tạo lực nâng, cho phép bom đạt tầm bay khoảng 60 km, ngoài tầm hoạt động của nhiều hệ thống phòng không hiện nay.
"Vũ khí Trung Quốc dường như có chức năng giống với JSOW, trong đó tập trung vào khả năng phá hủy hệ thống phòng không đối phương. Tuy nhiên, tầm bay của nó chỉ bằng một nửa các phiên bản JSOW đời cũ, chưa nói tới mẫu tăng tầm JSOW-ER được trang bị động cơ phản lực với tầm hoạt động tới 560 km", Hunter nhận xét.
Phiên bản AGM-154 đầu tiên có thể đánh trúng mục tiêu ở cách 130 km khi được thả từ độ cao lớn, nhưng giảm xuống chỉ còn 22 km nếu phi cơ bay ở độ cao nhỏ để lẩn tránh radar đối phương.
![Kỹ thuật viên Mỹ chuẩn bị bom liệng AGM-154 trên tàu sân bay. Ảnh: US Navy.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/08/19/agm-154-1-5019-1597825366.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NE0ede39In0qVH9En2EHvQ)
Kỹ thuật viên Mỹ chuẩn bị bom liệng AGM-154 trên tàu sân bay. Ảnh: US Navy.
"Hiện chưa rõ Thiên lôi 500 sử dụng hệ thống dẫn đường gì. JSOW được trang bị hệ thống định vị GPS và đầu dò ảnh nhiệt để bám bắt mục tiêu trong quá trình tiếp cận. Những biến thể mới nhất còn được bổ sung Đường truyền dữ liệu Vũ khí Công kích Chung (SCWD), cho phép thay đổi mục tiêu sau khi bom tách khỏi máy bay, tấn công mục tiêu đang di chuyển hoặc hủy đòn tập kích", Hunter nói thêm.
Các chuyên gia Mỹ cho rằng bom Thiên lôi 500 chưa thể sánh được với dòng JSOW của Mỹ, nhưng có thể lấp khoảng trống về vũ khí dẫn đường của không quân Trung Quốc, giúp họ tăng cường khả năng tấn công chính xác với mức giá rẻ hơn tên lửa hành trình mà vẫn bảo đảm an toàn cho máy bay mang phóng.
Vũ Anh (Theo Drive)