Trong khuôn khổ buổi toạ đàm với chủ đề "Giải pháp cho nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu trong ngành sản xuất" do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và Báo điện tử VnExpress tổ chức, các diễn giả đã bàn thảo nhiều vấn đề. Một trong những chủ đề được các vị khách mời đặc biệt quan tâm, tập trung trao đổi là khả năng trong tương lai, Việt Nam có thể thừa về số lượng nhân công giá rẻ và thiếu lực lượng tay nghề chuyên môn sâu.
![Tọa đàm trực tuyến Giải pháp cho nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu trong ngành sản xuất có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/08/06/ffgf-8987-1628093836-6497-1628232287.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HLLxeSJmCAneE-G7us3fIw)
Tọa đàm trực tuyến "Giải pháp cho nguồn nhân lực vừa thừa, vừa thiếu trong ngành sản xuất" có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự.
Đây là thực trạng đã được minh chứng qua nhiều số liệu thống kê. Theo báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% năm 2020, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4, chỉ cao hơn Indonesia và Lào.
Đặt trong bối cảnh hội nhập kinh tế và Việt Nam vừa kí kết hàng loạt các hiệp định thương mại, các chuyên gia đều cho rằng, với lực lượng lao động đông đảo, dân số vàng, Việt Nam cần áp dụng nhiều biện pháo để nâng cao trình độ nhân lực, tránh tình trạng thừa lao động tay nghề thấp nhưng thiếu trầm trong nhân lực chất lượng cao.
![Công nhân đang làm việc tại nhà máy của Samsung Việt Nam.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/08/06/samsung-VN-8502-1525771299-jpe-2540-5788-1628232287.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JG5rKTv69eGpKnPWxfOZ_A)
Công nhân đang làm việc tại nhà máy của Samsung Việt Nam.
Ông Nguyễn Đăng Minh - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện Quản trị Tinh gọn GKM nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, với việc lực lượng lao động chỉ thực hiện những công việc giản đơn, gia công và tận lực nguồn lao động giá rẻ. Để giải được bài toán này, nhân lực của Việt Nam bắt buộc phải làm được những việc khó hơn, kiến tạo các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị cầu, xuất khẩu nhiều hơn.
Xuất phát từ góc nhìn của cơ quan nhà nước, ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ,TB&XH nhận định, nhiều giải pháp nâng cao chất lượng lao động đã được triển khai trong những năm qua. Để hạn chế giảm thừa, bù thiếu nguồn lao động, theo ông một trong những giải pháp quan trọng là đánh giá và dự báo ngành nghề mới trong tương lai, xem xét nhu cầu sử dụng lao động, kỹ năng thị trường cần là gì rồi mới và tập trung đào tạo. Đồng thời, các trường cần phải xây dựng cơ chế giảng dạy theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Đặc biệt, ông Tào Bằng Huy cho rằng: "Các công nghệ hiện nay thay đổi liên tục, có những ngành nghề phải cập nhật sau 3 tháng đến một năm, người lao động không thể quay về trường để học được. Vì vậy doanh nghiệp cũng phải tự tổ chức các hoạt động giảng dạy, cập nhật kiến thức".
Về phía đại diện doanh nghiệp bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên HĐQT Tổng Công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (UpCOM) cho biết, đơn vị đào tạo nên tăng cường tỉ trọng thực hành để nâng cao khả năng linh hoạt xử lý công việc cho người lao động. "Không những thế chính các thầy cô cũng nên đi xuống doanh nghiệp, cập nhật các mô hình sản xuất mới, hiện đại để truyền đạt cho học viện", bà nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đăng Minh cho rằng, lý thuyết chỉ nên chiếm 20% và 80% còn lại nên dành cho đào tạo kỹ năng. Đặc biệt, trong sự phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp và xã hội, thực hành phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, chứ không phải tại nhà trường với các máy móc cũ kỹ.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương đại diện cho góc nhìn doanh nghiệp cho rằng, để nâng cao chất lượng nhân lực tại Việt Nam, đào tạo ý thức kỷ luật cho lao động cũng là điều quan trọng. Theo bà, giảng dạy kỹ năng có thể nhanh chóng, nhưng đào tạo về tác phong, kỷ luật rất khó khăn. Người lao động cũng cần được tạo điều kiện để hiểu biết về quyền lợi, trách nhiệm của bản trong môi trường làm việc, từ đó có thể cống hiến cũng như thực hành bảo vệ lợi ích cho chính mình.
Trong thời lượng một tiếng tham luận, các khách mời cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa ba bên: nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước trong việc giảm thừa bù thiếu cho thị trường lao động. Trong đó, nhà trường và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ để đào tạo kỹ năng thực tế cho học viên, đáp ứng đúng nhu cầu công việc. Nhà nước đóng vai trò điều tiết, ban hành các giải pháp, định hướng dài hạn, vĩ mô nhầm nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Thảo Miên