Phát biểu tại buổi ra mắt báo cáo Triển vọng phát triển 2014, ông Dominic Mellor - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn 2014 - 2015 là khá tham vọng, do nguồn lực đầu tư hiện còn khá yếu. Ngoài ra, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá nhỏ, khó huy động đủ số vốn cần thiết cho chương trình cổ phần hóa.
![vna-0-3133-1396325487.jpg](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2014/04/01/vna-0-3133-1396325487.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=N7pGkZha171pmxKRFqSa2Q)
Chuyên gia ADB cho rằng chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam khá tham vọng. Ảnh minh họa: Reuters
Do vậy, vị này cho biết còn khá "dè dặt" về kết quả của chương trình cổ phần hóa trong 2-3 năm tới. Trong khi đó, ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc quốc gia ADB cũng cho rằng không thể thông qua con số để đánh giá kết quả cuối cùng về chương trình nêu trên. Bởi trong điều kiện thị trường chưa hấp dẫn hiện nay, nếu doanh nghiệp không tự thay đổi thì không thể trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư.
"Chúng tôi không bao giờ khuyên cổ phần hóa, nếu đó chỉ là về mặt kỹ thuật. Nhưng nếu quá trình này có thể đưa đến những nhà đầu tư giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng quản trị thì đáng khuyến khích", ông nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia của ADB cho rằng việc cổ phần hóa cũng tạo ra những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, lợi nhuận tốt và hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.
Về tình hình kinh tế vĩ mô, tổ chức này cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dưới tiềm năng khi tốc độ tăng thấp hơn bình quân các nước đang phát triển (khoảng 6%). Tuy nhiên, giai đoạn 2014-2015, tốc độ tăng GDP sẽ cao hơn giai đoạn 2012 -2013, lần lượt ở mức 5,6% và 5,8% và cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á là 5-5,4%.
Theo ông Tomoyuki Kimura, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đi theo chiều hướng tích cực nhờ vào một số biện pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm giảm nhẹ rủi ro cho khu vực ngân hàng, bao gồm việc mua nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản (VAMC), tăng cường giám sát hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại, sáp nhập và tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém, nới lỏng những quy định hạn chế và sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, áp dụng các quy định mới về phân loại nợ xấu.
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tốc độ xử lý nợ xấu sẽ đòi hỏi Chính phủ phải đặt những mục tiêu cụ thể, chắc chắn như lộ trình rõ ràng để xử thu hẹp khoảng cách giữa các chuẩn mực quốc tế và trong nước.
Ngoài ra, một thách thức lâu dài mà Việt Nam phải đối mặt, đó là cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư tư nhân. Vị này nhận xét, đến nay múc độ đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng vẫn còn hạn chế, do khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa đủ hấp dẫn và thuận lợi cho giao dịch PPP.
Theo đánh giá của ADB, các nền kinh tế đang phát triển châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng vững vàng trong năm 2014, với tốc độ tăng trưởng GDP là 6,2% trong năm 2014 và 6,4% trong năm 2015, cao hơn mức tăng trưởng của khu vực năm 2013.
"Các nền kinh tế đang phát triển châu Á đang chèo lái thành công qua những thách thức của nền kinh tế toàn cầu, và có đủ điều kiện để tăng trưởng vững vàng trong những năm tới", Chủ tịch ADB - ông Takehiko Nakao cho biết. Tuy nhiên, ông nhận định các quốc gia vẫn phải tiếp tục theo đuổi chính sách vĩ mô vững chắc và tiến hành các cuộc cải cách cơ cấu.
Trong các tiểu vùng châu Á, Đông Á có xu hướng tăng trưởng hầu như không thay đổi, do Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng của khu vực này trong năm 2013 là 6,7% và dự báo sẽ giữ nguyên ở mức này trong năm nay và năm tới. Riêng Đông Nam Á, ADB dự báo tăng trưởng của vùng sẽ không thay đổi trong năm 2014, khi những chuyển biến tích cực trên thị trường xuất khẩu phải bù đắp cầu nội địa yếu. Triển vọng tăng trưởng sẽ chỉ cải thiện một chút, lên 5,4% vào năm 2015.
Phương Linh