Đi sâu vào các xã nông thôn, vùng sâu vùng xa của vùng đồng bằng Sông Cửu Long, cầu tạm nhiều vô số, được địa phương và người dân xây dựng bằng những tấm ván gỗ, sắt, tre... Chỉ qua vài mùa mưa nắng, những cây cầu đã hư hỏng, gập ghềnh khó đi hoặc bề mặt trơn trượt, dễ té ngã.
Ngay cả những chiếc cầu bê tông cũng xuống cấp trầm trọng dù được trùng tu nhiều lần, bởi lượng phương tiện lưu thông lớn. Điều này làm cho việc vận chuyển nông sản gặp không ít khó khăn, học sinh cũng không an tâm khi đến trường mỗi mùa mưa lũ.
![Cầu Hy Vọng tại Bạc Liêu sau khi được tài trợ xây mới. Ảnh: Tiến Danh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/07/Xay-cau-1738900989-1918-1738901036.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ySYfWoLuzDr8T78iWJ5brg)
Cầu Hy Vọng tại Bạc Liêu sau khi được tài trợ xây mới. Ảnh: Tiến Danh
Khởi động từ năm 2018, chương trình "Nâng bước em đến trường" của Quỹ Hy vọng đã dần thay thế cầu tạm, cầu gỗ và các cây cầu cũ kỹ, xuống cấp bằng những cây cầu bê tông, cốt thép mang tên Hy vọng.
Những cây cầu ấy không chỉ đảm bảo nhiệm vụ kết nối giao thương thuận lợi, rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa các xã/ ấp, giúp học sinh và người dân đi lại dễ dàng, mà còn tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn tại các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.
Sau hơn 7 năm thực hiện, chương trình đã khởi công và khánh thành hơn 430 cây cầu tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, và hướng đến mục tiêu 600 cây cầu tại Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2027.
Riêng năm 2025, chương trình dự kiến xây thêm 80 cầu Hy Vọng. Mỗi cây cầu vững chắc là sự chung tay của chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng.
Quỹ Hy vọng