Chưa đến 7h tối, dưới ánh sáng lờ nhờ từ chiếc bóng buộc dây vào thanh sắt giữa nhà, bà Hòa lục đục dậy khóa cửa, tay không rời điện thoại, chờ tiếng đổ chuông báo cuộc gọi từ con. Không gian yên tĩnh thi thoảng bị xen ngang bởi tiếng trò chuyện và động cơ xe máy từ nhà đối diện.
Xong bữa tối là chẳng còn việc gì làm, bà nằm đung đưa trên chiếc võng mắc sẵn giữa gian bếp. Bên cạnh là chiếc võng khác với phần lưới bị tháo ra, vắt hờ trên khung, như chờ những chuyến thăm nhà ngắn ngủi của con cháu.
"Mấy đứa cháu về, đứa nào cũng thích nằm chỗ này", bà Hòa kể.
Cuộc sống của bà giờ chỉ quẩn quanh một mình trong căn nhà xây dở. Cuộc gọi mỗi ngày của con trở thành thứ đáng chờ đợi nhất trong ngày. Chúng không chỉ là điểm tựa kinh tế, mà còn là bệ đỡ tinh thần quan trọng nhất còn lại của bà.
Bà nhớ lại 13 năm trước, khi vừa bước vào ngưỡng 60, đinh ninh tuổi già viên mãn khi có hai trụ cột tinh thần vững chắc là chồng và các con. Thế nhưng, từng điểm tựa cứ gãy đổ dần. Ở tuổi 73 nhìn lại, bà mới nhận ra mình đã không chuẩn bị gì cho tuổi già.
4,43 triệu người từ 60 tuổi ở Việt Nam có hoàn cảnh như bà Hòa, sống một mình hoặc với trẻ em dưới 15 tuổi. Hơn 70% trong đó sống gần con, 4,7% không có con hoặc con đã mất, và 2,28% không có người thân hoặc người thân đã mất, theo kết quả phân tích từ Điều tra Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình mới nhất năm 2021 của Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc.
Hình ảnh những người già sống cô đơn sẽ dần trở nên quen thuộc tại Việt Nam khi quá trình già hóa đang ngày càng nhanh, dự kiến chuyển thành nước già vào năm 2036 - khi tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 14% tổng dân số. Tiến trình này của Việt Nam kéo dài 17 năm, nhanh thứ hai trong nhóm các nước Đông Nam Á và Đông Á, chỉ sau Brunei. Càng gần cột mốc này, áp lực chuẩn bị cho "tuổi già" của những người cao tuổi như bà Hòa sẽ ngày càng tăng.
Sau khi người chồng đầu tiên hy sinh trong chiến tranh, năm 18 tuổi, bà Hòa lập gia đình mới. Gần 20 năm sau, bà mất chồng lần hai, khi ông qua đời đột ngột, để lại 7 đứa con. Để kiếm kế sinh nhai, bà lên TP HCM làm mướn ở xưởng gạch, rồi lần lượt dắt từng người con lên cùng.
Hơn 10 năm trước, 7 đứa con đều yên bề gia thất, bà Hòa coi việc lớn trong đời đã hoàn thành nên trở về Bến Tre tìm chốn nương náu tuổi già. Về quê, không mảnh đất cắm dùi, bà xin cất chòi lá "ở đậu" trên đất người họ hàng, "nghĩ không bao giờ có được ngôi nhà xây". Sau đó ít lâu, bà được địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà tình nghĩa cho vợ liệt sĩ. Mấy người con bàn nhau hùn thêm, mua đất, cất ngôi nhà tươm tất cho mẹ, cũng là để con cháu có chốn đi về.
Thương mẹ đơn chiếc, thiếu người bầu bạn sớm hôm, các con động viên bà tái giá với người chồng thứ ba. Ở tuổi gần 60, bà lần nữa đi đâu cũng có đôi.
Tưởng tuổi già đã an ổn, 5 năm trước, người con thứ nhất đột tử. Năm 2021, con trai thứ hai mất ở TP HCM do dịch Covid-19, thời điểm cả nước giãn cách xã hội. Bà đang ở quê, không thể lên đưa con đi đoạn đường cuối. Trong vòng ba năm, bà mất liền hai khúc ruột máu mủ.
"Trời ơi, lúc đó tôi chỉ muốn chết theo con", bà kể lại.
Quãng thời gian suy sụp nhất, bà tìm thấy sự an ủi từ người chồng thứ ba. Mấy phen bà vào viện vì trái gió trở trời, con cháu bươn chải làm ăn, ông một tay săn sóc.
Thế nhưng năm 2022, khi bà chưa nguôi nỗi đau mất con thì một trận đau tim đột ngột cướp ông đi. Chuyến xe cấp cứu đưa ông từ bệnh viện về nhà lúc 1h sáng là chặng cuối ông bà song hành cùng nhau.
Hạnh phúc chắp nối chính thức đứt đoạn. Người lẻ bạn, dép lẻ đôi, mâm cơm vơi mất một chén. Bà tự an ủi "số ai người đó chịu", nhưng mỗi đêm một mình trong căn nhà trống trải, bà lại day dứt nghĩ tới ông.
"Lúc đông người, nói này nói kia thì quên, nhưng một mình đi vô, đi ra trong cái nhà cứ nhớ hoài", bà Hòa kể. "Cất nhà bự, giờ thành trống rỗng".
4 trong 5 người con còn lại của bà Hòa đều sống ở tỉnh khác, duy nhất người con cả sống cùng xã. Nhưng công việc bộn bề khiến anh cũng khó sớm tối cạnh mẹ.
Lo mẹ sống một mình, không có điểm tựa, các con năm lần bảy lượt thuyết phục bà đến sống cùng. Nhưng không quen nếp sống thành thị nên "ở nhà hoài, cứ thấy bực bội", bà lên chưa nóng chỗ đã vội về. Chỉ tới khi bị sụt cân, khó thở thường xuyên, bà mới chịu nghe con lên thành phố khám bệnh và phát hiện bị suy tim. Từ đó, bà mới thỉnh thoảng lên thành phố khám bệnh.
Sau ngày chồng mất, niềm vui mỗi tháng của bà chỉ còn các buổi sinh hoạt ở câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau của xã - điểm tựa tinh thần giúp bà khỏa lấp nỗi cô quạnh.
Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình hỗ trợ người cao tuổi dựa vào cộng đồng do tổ chức HelpAge International hợp tác cùng các đối tác tại Việt Nam khởi xướng từ 2006. Năm 2013, mô hình này mở rộng địa bàn đến đồng bằng sông Cửu Long sau khi ghi nhận kết quả tích cực ở các tỉnh miền Bắc và Trung. Bến Tre là nơi đầu tiên triển khai do chỉ số già hóa cao.
Ở đây, bà tìm thấy bạn mới vì hầu hết thành viên đều trên 60 tuổi. Những cuộc gặp gỡ hàng tháng của câu lạc bộ giúp những người già cô đơn như bà giữ trọn tiếng cười, còn với nhiều người khác, đây là cách để tìm niềm vui khi vượt qua bên kia dốc cuộc đời.
Giữa trưa tháng 12, bà Trần Ngọc Muộn (75 tuổi) lách người qua con đường đất chiều ngang hơn nửa sải tay, chỉ đủ một chiếc xe lọt qua, dừng chân trước ngôi nhà cuối ngõ. Người phụ nữ 60 tuổi ngồi trong nhà, đón bà bằng câu chào không tròn tiếng. Di chứng của đột quỵ hơn 10 năm trước "buộc" phần đời còn lại của chị với tấm phản gỗ màu xám, suốt ngày loanh quanh bốn góc tường đã bong sơn.
Cuộc viếng thăm hàng tuần của bà Muộn trong vai trò tình nguyện viên chăm sóc tại nhà thuộc Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau là niềm an ủi giúp chị vơi bớt nỗi cô quạnh. Đổi lại, với bà Muộn đây cũng là một cơ hội để sống tuổi già có ích.
Khi dự án Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau được triển khai tại Bến Tre năm 2013, đại diện UBND và Hội người cao tuổi xã tìm đến nhà bà Muộn, mời làm chủ nhiệm câu lạc bộ.
"Mình sợ làm không nổi", bà hồi tưởng lại dấu mốc khởi đầu. Nhưng muốn có thêm việc lúc về già, bà vẫn nhận lời, tính làm vài năm để vượt qua "cú sốc" sau nghỉ hưu. Cuối cùng, ý định đó kéo dài cả chục năm.
Năm mô hình này ra đời ở Bến Tre, cả nước có chưa đến 1.000 câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau. Sau 10 năm, số lượng câu lạc bộ tăng 8 lần, lên hơn 8.400, tính đến tháng 12/2024, mở rộng trên 63 tỉnh, thành. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá đây là sáng kiến điển hình thúc đẩy già hóa thành công ở các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Tháng 8/2016, Thủ tướng phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2020. 4 năm sau, đề án tiếp tục được duy trì, nâng mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 95% địa phương có câu lạc bộ. Mô hình không còn trông chờ vào các dự án nước ngoài mà giao chỉ tiêu cho UBND các cấp và Hội người cao tuổi.
"Vấn đề lớn nhất người cao tuổi đối mặt không chỉ có sức khỏe hay kinh tế, mà là sự cô đơn, cô lập với cuộc sống xã hội. Điều rất quan trọng với họ là cảm thấy có ích, vậy nên họ rất muốn đi hỗ trợ người khác", bà Trần Bích Thủy - Giám đốc quốc gia, Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam, nói.
Hơn 20 năm đồng hành cùng các dự án về già hóa dân số, bà Thủy đánh giá các chính sách hiện chủ yếu xem xét người cao tuổi ở góc độ đối tượng được chăm sóc mà chưa phát huy vai trò, tạo cơ hội cho họ đóng góp vào cộng đồng. Những mô hình như Câu lạc bộ Liên thế hệ là cơ hội để những người già được sống đời có ích.
Theo bà Thủy, đây sẽ là tiền đề để xây dựng, phát triển đội ngũ chăm sóc chuyên nghiệp cho những người cao tuổi sống một mình. Hiện, tổ chức này đang thử nghiệm trả một phần thù lao cho hoạt động tình nguyện viên chăm sóc tại nhà, chi phí 50-200 nghìn đồng mỗi tháng.
"Chúng ta đi từng bước một, tập huấn cho họ các kỹ năng cần thiết, cấp chứng chỉ, dần phát triển thành một nghề, được trả công. Đây là cách để chuẩn bị cho một xã hội có dân số già từ sớm, từ xa", bà Thủy nhấn mạnh.
Mô hình câu lạc bộ làm tốt vai trò điểm tựa cộng đồng, tuy nhiên, hai trụ đỡ còn lại là kinh tế và sức khỏe vẫn còn nhiều khoảng trống.
"An sinh về thu nhập và hệ thống y tế là hai vấn đề chính yếu Chính phủ cần làm ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho một quốc gia già sau 12 năm nữa", GS.TS Giang Thanh Long, Đại học Kinh tế Quốc dân, nói.
Ở góc độ an sinh, ông cho rằng cần xây chắc trên nền tảng: lương hưu đủ sống, bảo đảm công việc khi về già, và trợ cấp.
Chuyên gia đánh giá 20 năm qua, Việt Nam đã có nhiều bước tiến tích cực. Bắt đầu từ việc thí điểm cho người trên 90 tuổi hưởng trợ cấp xã hội năm 2004, mức hưởng và độ tuổi được điều chỉnh dần theo thời gian. Hiện, người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu được nhận trợ cấp xã hội 500.000 đồng mỗi tháng, và giảm xuống 75 tuổi khi Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi có hiệu lực tháng 7/2025.
Nhìn rộng hơn, Đảng và Chính phủ cũng có nhiều văn kiện, nghị quyết, nghị định nhấn mạnh vấn đề già hóa dân số. Trong dự thảo Luật Dân số vừa được lấy ý kiến, Bộ Y tế cũng thiết kế nhóm chính sách riêng để thích ứng và chuẩn bị cho một xã hội già hóa. Trong đó, dự thảo đề xuất bổ sung nhiều quy định như: phát triển bảo hiểm chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; xây dựng quy trình, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi...
Tuy nhiên, "vết mòn truyền thống" của Việt Nam vẫn là làm sao cụ thể hóa các chính sách này vào cuộc sống. Ông Long dẫn chứng khoảng 50% người trên 60 tuổi Việt Nam vẫn làm việc sau nghỉ hưu, đặc biệt là những người trong độ tuổi 60-64, theo khảo sát quốc gia về người cao tuổi Việt Nam năm 2022 do Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học và Ngân hàng Phát triển châu Á thực hiện.
Tuy nhiên, phần lớn trong số này là công việc dễ tổn thương (tự làm hoặc lao động gia đình không được trả công), khiến họ đối mặt rủi ro bị lợi dụng, xâm hại hoặc tước mất quyền lao động. Trong khi ở các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Chính phủ quy định cụ thể điều kiện khi doanh nghiệp thuê lại các lao động cao tuổi nhằm giảm nguy cơ phân biệt đối xử trên tuổi tác.
"Việt Nam ủng hộ người cao tuổi tiếp tục đi làm, tuy nhiên những quy định cụ thể, sát sườn lại chưa có. Trùng trùng điệp điệp chính sách nhưng thực tế vẫn có những khoảng trống mênh mông", ông nói.
Về y tế, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống nhất (TP HCM), cho rằng việc tầm soát, đánh giá toàn diện sức khỏe người cao tuổi được xem là chìa khóa chính. Cơ cấu bệnh tật hiện nay của nhóm cao tuổi trung bình khoảng 2,16 bệnh, theo Bộ Y tế. Do đó, hệ thống lão khoa phải thay đổi để xử lý vấn đề về dân số cao tuổi.
Ông gợi ý Việt Nam có thể học hỏi từ Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ lão hóa thành công cao nhờ chính sách đồng bộ về tầm soát sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và hoạt động xã hội cho người cao tuổi. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam còn khiêm tốn. TP HCM là địa phương đầu tiên thí điểm khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi từ tháng 8/2023. Gói khám gồm khám cận lâm sàng, siêu âm tổng quát, xét nghiệm máu. Chương trình được áp dụng cho toàn bộ người từ 60 tuổi tại TP HCM, tiêu tốn ngân sách khoảng 150 tỷ đồng.
Theo bác sĩ Thanh, việc đánh giá hiệu quả của chính sách này đến sức khoẻ người cao tuổi tại TP HCM cần thời gian. Tuy nhiên, người già được phát hiện bệnh sớm qua tầm soát chắc chắn tỷ lệ điều trị thành công sẽ cao hơn, giúp giảm số năm sống chung với bệnh tật.
Nói về chi phí cho y tế, GS Long đánh giá điểm sáng của Việt Nam là tỷ lệ cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người cao tuổi rất cao, đạt 95%. Tuy nhiên, bảo hiểm chưa bao phủ tất cả dịch vụ, trong khi giá dịch vụ y tế của Việt Nam lên rất nhanh, nhiều thuốc nhập khẩu giá thành cao không có trong danh mục bảo hiểm y tế. Do đó, tỷ lệ chi tiêu tiền túi bình quân vẫn rất cao.
Theo số liệu của WHO, chi tiêu tiền túi bình quân ở Việt Nam chiếm khoảng 40% tổng chi phí cho khám, chữa bệnh. Việt Nam là nước có tỷ lệ tự bỏ thêm tiền khám chữa bệnh cao thứ 4 Đông Nam Á - sau Philippines, Campuchia, Myanmar, và cao hơn nhiều nước đã già hóa - như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.
Giám đốc quốc gia Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam Trần Bích Thủy đánh giá Việt Nam thiếu các kịch bản thích ứng với từng mức độ già hóa dân số. Bà cho rằng vấn đề này tác động tới mọi mặt đời sống, do đó cần có sự điều chỉnh đa ngành. Chẳng hạn, ngành xây dựng cần đưa ra tiêu chuẩn về thiết kế công trình công cộng phù hợp với một xã hội ngày càng đông người cao tuổi. Chương trình giáo dục, việc làm cho người già cũng phải được tính đến. Bà đề xuất Ủy ban quốc gia về người cao tuổi có thể là đầu mối, họp các ban ngành liên quan để xây dựng kịch bản này.
GS Long cho rằng Việt Nam phải thay đổi tư duy, coi việc đầu tư cho người cao tuổi sẽ mang lại kết quả trên toàn xã hội, chứ không chỉ là câu chuyện đạo lý. Nhà nước có thể xã hội hóa các dịch vụ chăm sóc cho người già để tư nhân tham gia, đi kèm với giám sát và kiểm soát chất lượng. Khi người già khỏe mạnh, chi phí điều trị bệnh giảm, con cái của họ có thể tập trung vào công việc, tăng năng suất.
"Không chỉ chăm sóc cho người già hiện tại, chúng ta cần chuẩn bị cho thế hệ già tương lai ngay từ bây giờ. Thời gian không còn nhiều, xử lý các vấn đề chưa rốt ráo, để đến khi dân số trẻ thành già trong 10-15 năm nữa sẽ không kịp", GS Long cảnh báo.
Nội dung: Mây Trinh - Việt Đức - Lê Phương
Ảnh: Khương Nguyễn
Đồ họa: Hoàng Chương