5 người bị tạm giữ gồm: bà Nguyễn Thị Thanh Loan (chủ cơ sở nhuộm tạp chất cà phê với than pin), ông Nguyễn Xuân Bảo (chồng bà Loan) và ba người khác.
"Cả 5 người bị tạm giữ để điều tra hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo điều 317 Bộ Luật Hình sự", đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đăk Nông cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, chủ cơ sở sản xuất phế phẩm cà phê. Ảnh: Thiện Nhân.
Ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đăk Nông cho biết, UBND tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện báo cáo về vụ vỏ cà phê trộn sỏi và nhuộm pin để báo cáo Thủ tướng.
Theo ông Lộc, Thủ tướng yêu cầu phải làm rõ một số vấn đề trong vụ phế phẩm cà phê nhuộm pin, có phải sẽ thành thực phẩm hay không để giải oan cho cà phê sạch.
Trước đó, ngày 16/4, cảnh sát Môi trường tỉnh Đăk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở Nông nghiệp ập vào kiểm tra cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Loan ở xã Đăk Wer, huyện Đăk R'lâp, bắt quả tang nơi đây đang pha trộn bột lõi pin vào cà phê phế thải.

Những xô chậu cáu bẩn cơ sở tại Đăk Nông dùng để nhuộm phế phẩm cà phê với bột pin. Ảnh: Kh.Uyên
Tại xưởng, ngành chức năng tịch thu hơn 21 tấn phế phẩm cà phê đã nhuộm đen và đóng bao bì; 35 kg pin bị đập dẹp; 192 kg lõi, nắp, vỏ pin; 40 lít dung dịch.
Bà Loan khai, trước đó đã đưa hơn 3 tấn phế phẩm cà phê về Bình Phước tiêu thụ.
Thiện Nhân