Vice, Border và Mary, Queen of Scots tranh tài hạng mục hóa trang và làm tóc của Oscar 2019. Trong Vice, ngoài nỗ lực tăng cân của Christian Bale, khâu hóa trang giúp anh tái hiện hình ảnh phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney, từ năm 21 tuổi đến 75 tuổi, đóng vai trò quan trọng. Dự án quy tụ các chuyên gia Greg Cannom, Kate Biscoe và Patricia Dehaney, trong đó Cannom từng giành ba Oscar hóa trang, gần nhất là với The Curious Case of Benjamin Button (2008).
Diễn viên Hollywood lột xác trong các phim được đề cử Oscar hóa trang.
Theo Hollywood Reporter, Bale được gắn các bộ phận giả ở cổ, má và cằm để trông béo hơn. Tài tử cũng mang hai phụ kiện nhỏ ở mũi - một che đi vết lõm của anh và một khiến phần chóp dài hơn. Để ghi hình Cheney lúc già, anh cạo trọc đầu, sau đó dùng phụ kiện để đầu trông rộng hơn, giống hình mẫu thật.
Christian Bale muốn đạo cụ hóa trang không gây hạn chế biểu cảm. Tài tử mang chúng và kiểm tra diễn xuất của mình nhiều lần trước khi đồng ý. Mỗi ngày, ê-kíp mất gần bốn giờ để chuẩn bị ngoại hình cho Bale. Có ngày, họ phải làm hai lần do nam diễn viên quay hai giai đoạn khác nhau của nhân vật. Còn sao nữ Amy Adams đeo tóc giả trong vai vợ Dick Cheney.
Trailer phim "Vice".
Border là tác phẩm Thụy Điển thắng giải Nhãn quan độc đáo ở LHP Cannes trước khi tranh tài ở Oscar. Câu chuyện xoay quanh đôi nam nữ có vẻ ngoài giống loài troll (sinh vật thần thoại Bắc Âu). Đảm nhận hóa trang là Pamela Goldammer và Göran Lundström - nghệ sĩ từng làm cho Beauty and the Beast.
Mũi sao nữ - Eva Melander - được đắp thêm cho rộng ra, có hình dạng khác thường, còn tai cô trông nhọn hơn. Cô cũng mang nhiều bộ tóc giả cho các giai đoạn khác nhau của nhân vật. Sao nam Eero Milonoff được hóa trang tương tự nhưng có nhiều đường nét hung hãn, phù hợp tính cách nhân vật. Ở những cảnh khỏa thân, diễn viên được gắn các bộ phận giả.
Theo nhóm chuyên gia, cảnh khó nhất là khi hai nhân vật bơi do áp lực thời gian. Ê-kíp phải dùng silicon thay vì gelatin - vật liệu họ yêu thích nhưng bị rã một phần trong nước.
![Nữ hoàng Elizabeth I trên tranh vẽ và trong phim.](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2019/02/22/Mary-Queen-of-Scots-jpeg-6719-1550825062.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=deNpTvAvS-bM-l7d17mfWQ)
Nữ hoàng Elizabeth I trên tranh vẽ và trong phim.
Mary Queen of Scots kể về quan hệ giữa Mary (nữ hoàng Scotland, Saoirse Ronan đóng) với Elizabeth I (nữ hoàng Anh, Margot Robbie) vào thế kỷ 16. Trong lịch sử, Elizabeth nổi tiếng với mái tóc giả màu đỏ và khuôn mặt đánh phấn trắng toát (che các vết sẹo do đậu mùa). Diễn viên Margot Robbie được hóa trang giống miêu tả này. Theo yêu cầu đạo diễn, "bom sex" của Hollywood phải trông khác lạ đến nỗi khán giả không nhận ra.
Ở những cảnh Elizabeth không đánh phấn, nghệ sĩ trang điểm Jenny Shircore gắn các vết sẹo lên mặt Robbie. Bà chia sẻ đây là khâu khó nhất, mất từ hai tiếng rưỡi đến ba tiếng. Ngoài ra, ê-kíp chuẩn bị các bộ tóc đỏ cho hai sao nữ. Bộ của Robbie đỏ rực, còn của Ronan đỏ pha vàng, dịu hơn, hợp với làn da hơi tái của cô. Giới phê bình nhận định hóa trang và phục trang là điểm sáng trong tác phẩm không nổi bật về nội dung.
Lễ trao giải Oscar lần 91 diễn ra sáng 25/2 (giờ Hà Nội).
* Xem thêm: Cảnh choáng ngợp trong các phim tranh Oscar kỹ xảo
Ân Nguyễn