Susan Tabbach, kiến trúc sư 41 tuổi, kiệt sức do vừa làm việc, vừa chăm sóc ba con nhỏ tại nhà, vừa lo lắng cho cha mẹ già chưa được tiêm phòng. Đối với cô, viễn cảnh nới giãn cách xã hội còn mờ mịt. "Tôi chỉ thấy kiệt sức. Ít nhất tôi muốn biết rằng bố mẹ mình an toàn", cô nói.
Đức là trường hợp thay đổi nhanh nhất trong đại dịch. Năm ngoái, đất nước ứng phó tốt trong hai đợt bùng phát. Nhà chức trách nhận nhiều lời ngợi khen vì giữ số ca nhiễm và tử vong thấp. Đến nay, sau 4 tháng phong tỏa kém hiệu quả và một chiến dịch tiêm chủng chậm chạp, lượng người dương tính với nCoV tăng vọt, độ tín nhiệm của công chúng với chính phủ giảm mạnh.
"Đây là một thảm họa", Mohammed Tabbach, người cha 86 tuổi của Susan Tabbach, cảm thán. Ông không được gọi tiêm chủng dù ở độ tuổi ưu tiên hàng đầu.
"Ở những nơi khác, mọi người đã tiêm phòng đầy đủ. Tại đây, sự cố bằng cách nào đó xảy ra", cựu bác sĩ Đức cho biết. Ông ám chỉ các trở ngại trong quá trình mua bán vaccine Covid-19 của Liên minh châu Âu (EU).
Ông Tabbach đăng ký tiêm chủng từ tháng 1, nhưng tất cả những gì nhận lại đến nay là 4 bức thư với cùng một nội dung, yêu cầu ông kiên nhẫn. Vợ ông, bà Brigitte Tabbach, cho biết mỗi lần thấy thư mới, bà "phấn khích để rồi lại thất vọng".
![Ông Mohammed Tabbach (trái), 86 tuổi, sống tại Đức, chưa được tiêm vaccine Covid-19 dù đã đăng ký từ tháng 1/2021. Ảnh: Tabbach](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/03/25/im-314752-3337-1616648158.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CeORdZWKiAnDZleB83X73w)
Ông Mohammed Tabbach (trái), 86 tuổi, sống tại Đức, chưa được tiêm vaccine Covid-19 dù đã đăng ký từ tháng 1/2021. Ảnh: Tabbach
Hàng triệu công dân Đức trên 70 tuổi, giáo viên và người có bệnh nền vẫn chưa được tiêm vaccine. Châu Âu chậm trễ giao dịch, phê duyệt muộn, bị ảnh hưởng bởi các trục trặc trong khâu sản xuất và giao hàng. Đầu tháng 3, giới chức tạm thời đình chỉ vaccine AstraZeneca vì lo ngại tác dụng phụ. Các đợt tiêm chủng được nối lại sau đó, song nhiều người e dè sử dụng vì các thông tin tiêu cực.
Hơn 70% người Đức không hài lòng với cách chính phủ mua bán và triển khai vaccine, theo cuộc thăm dò của Học viện Infratest Dimap hồi đầu tháng 3.
"Châu Âu không đủ vaccine ngăn làn sóng thứ ba", Bộ trưởng Y tế Jens Spahn phát biểu về chiến dịch tiêm phòng chậm chạp.
Điều này ảnh hưởng đến cả những người có bệnh nền. Khi nghe về sự cố AstraZeneca, Caroline Mülheims tự rót cho mình một ly rượu - điều cô chưa từng làm trước đây. Mülheims, 24 tuổi, gần như không rời khỏi nhà trong suốt năm qua vì bệnh thần kinh cơ bẩm sinh. Cô nằm trong nhóm nguy cơ tử vong cao nếu mắc Covid-19.
"Nó (vaccine) giống như một bong bóng xà phòng xinh đẹp trôi nổi ngay trước mặt. Bạn cố gắng chạm lấy và nó nổ tung", Mülheims chia sẻ.
![Caroline Mülheims, 24 tuổi, mắc bệnh bệnh thần kinh cơ bẩm sinh. Ảnh: Caroline Mülheims](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2021/03/25/im-314743-1616648065-4824-1616648158.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=d5AK_cTnqdSyIZnbp89Wrg)
Caroline Mülheims, 24 tuổi, mắc bệnh bệnh thần kinh cơ bẩm sinh. Ảnh: Caroline Mülheims
Jeremy Jarsetz, 18 tuổi, đã trở lại trường sau 3 tháng học từ xa. Theo cậu, đây là khoảng thời gian tồi tệ. Cậu bị lỡ bài tập, điểm số trượt dốc, lo lắng mình không thể tốt nghiệp. Hai tuần sau, các trường học phải đóng cửa trở lại do số ca nhiễm gia tăng.
"Tôi thấy tâm trạng thay đổi liên tục, đôi khi nghiêng về trầm cảm. Tôi suy nghĩ rất nhiều", cậu nói.
Các cuộc khảo sát cho thấy đại dịch ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người dân khắp nơi, ở mọi lứa tuổi. Các chuyên gia đặc biệt lo ngại đến gánh nặng tâm lý đối với thanh thiếu niên, trẻ nhỏ.
Nhu cầu trị liệu, số cuộc gọi đến đường dây nóng của bệnh viện tâm thần tăng đột biến, đặc biệt ở trẻ em và thanh thiếu niên- những người đang vật lộn trong cô đơn, lo lắng và trầm uất. Riêng ở Berlin, số trẻ nhập viện vì bệnh tâm lý tăng gần gấp đôi trong nửa đầu năm 2020, theo cuộc khảo sát từ công ty bảo hiểm sức khỏe DAK.
Đối với gia đình Tabbach, Susan sẽ phải nghỉ việc nếu các trường học và nhà trẻ đóng cửa một lần nữa. Trong khi đó, bố cô, ông Mohammed, cho rằng ngay cả khi mình và vợ con đã được tiêm chủng, phải nhiều tháng nữa cuộc sống mới trở lại bình thường.
"Vấn đề không phải ở tôi. Nếu tất cả chúng ta không được tiêm phòng thì cũng chẳng ích gì", ông nói.
Thục Linh (Theo Washington Post)