Các tài khoản mạng xã hội Nga gần đây chia sẻ nội dung cuốn sổ tay về "Chiến thuật và phương pháp chống drone", được cho là từ Ukraine, trong đó đề cập phương pháp "phục kích bằng thiết bị bay không người lái góc nhìn thứ nhất (drone FPV)".
Theo chiến thuật này, tổ vận hành sẽ bí mật đặt drone FPV tự sát ở gần tuyến tiếp tế của đối phương. Drone được thiết lập ở chế độ "ngủ đông", không truyền đi tín hiệu vô tuyến hay hình ảnh nào nên gần như không thể bị phát hiện. Khi mục tiêu đến gần, drone mới được kích hoạt để sẵn sàng tung đòn tấn công.
Các video gần đây cho thấy quân đội Ukraine đang áp dụng chiến thuật trên. Một video đăng hồi giữa tháng 1 cho thấy Lực lượng Đặc nhiệm Ukraine (SOF) bố trí một drone FPV nằm im bên vệ đường đầy tuyết, mặt trước hướng về con đường.
Khi một xe địa hình cỡ nhỏ Desertcross 1000-3 của Nga tới gần và bị drone trinh sát phát hiện, tổ vận hành của SOF mới kích hoạt chiếc drone tự sát. Nó xuất kích, bay vòng lên phía trước rồi lao thẳng vào kính chắn gió của xe địa hình Nga, tạo ra vụ nổ. Chiếc xe di chuyển tiếp một đoạn rồi lao vào rặng cây bên đường.
Drone FPV Ukraine tập kích xe địa hình Nga trong video đăng ngày 14/1. Video: X/mila_alien
Video chuyển sang cảnh quay trên camera của một drone FPV khác đang tiếp cận chiếc xe địa hình, cho thấy phương tiện này có một số vết cháy sém do vụ nổ, nhưng không có thiệt hại rõ ràng. Lái xe lúc đó đã rời đi.
Quả đạn sau đó lao vào chiếc xe. Video do camera của drone FPV thứ ba ghi lại cho thấy đòn đánh đã khiến chiếc xe địa hình cháy rụi.
Theo David Hambling, biên tập viên của tạp chí Forbes, chiếc xe địa hình là mục tiêu giá trị thấp, không chở theo nhiều binh sĩ hay hàng hóa. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine vẫn quyết định triển khai tới ba drone FPV mà họ bố trí ở khu vực phục kích để tiêu diệt mục tiêu này, một phần vì dòng Desertcross 1000-3 có giá khoảng 23.000 USD ở Nga, trong khi drone FPV chỉ có giá gần 500 USD.
Dù vậy, việc sở hữu số lượng lớn drone FPV, loại khí tài dễ sản xuất, mới là lý do chính khiến tổ vận hành Ukraine đưa ra quyết định trên. "Không ai lãng phí đạn dược nếu đang khan hiếm, cho dù chúng có rẻ đến đâu", Hambling cho hay.
Một ví dụ khác là video đăng hôm 29/1 về ba cuộc tập kích bằng drone FPV của Ukraine nhằm vào các xe tải tiếp tế của Nga. Trong hai vụ tấn công đầu tiên, drone Ukraine nằm chờ trong bãi cỏ cao và chỉ khởi động để truy đuổi sau khi phương tiện của đối phương xuất hiện.
Chiếc drone trong cuộc tập kích thứ ba cũng được đặt bên vệ đường, song không đợi mục tiêu mà chủ động cất cánh để săn tìm dọc theo đường chính. Nó sau đó phát hiện xe tải Nga và lao vào.
"Có thể mục tiêu đã đi qua trước đó một lúc song tổ vận hành lại chờ thêm vì lý do nào đó, hoặc họ được drone trinh sát chỉ thị mục tiêu", Hambling nhận định.
Drone FPV Ukraine tập kích các xe tải Nga trong video đăng ngày 29/1. Video: X/bayraktar_1love
Trong cả ba cuộc tập kích, drone Ukraine đều lao vào mục tiêu từ phía sau và nhắm tới buồng lái, nhằm hạ sát tài xế vì đầu đạn trên drone quá nhỏ để có thể phá hủy chiếc xe tải.
Chiến thuật "mật phục bằng drone" được cho là phương pháp giúp Ukraine khắc phục nhược điểm về thời gian hoạt động ngắn của dòng khí tài này. Các drone cỡ nhỏ thường chỉ hoạt động được tối đa 20 phút, không thể bay vòng để săn tìm hoặc chờ đợi mục tiêu quá lâu.
Dù vậy, điều này còn phụ thuộc vào việc lực lượng Ukraine triển khai drone tới vị trí phục kích bằng cách nào. Nếu drone tới đó bằng cách tự bay, nó sẽ bị tụt pin và có thể không còn đủ năng lượng để cất cánh, truy đuổi khi mục tiêu xuất hiện.
Mọi thứ sẽ khác trong trường hợp drone được đưa đến vị trí phục kích. Ukraine hiện sở hữu một mẫu drone FPV cỡ lớn mang tên "Ong bắp cày chúa", có khả năng mang drone FPV cỡ nhỏ hoặc dùng làm trạm chuyển tiếp tín hiệu để tăng tầm hoạt động của quả đạn.
Khi thăm Kiev tháng trước, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã được giới chức Ukraine giới thiệu hai thiết bị chuyên chở drone FPV, gồm một mẫu máy bay không người lái (UAV) và một mẫu drone cỡ lớn.
Lực lượng Ukraine gần đây cũng tăng cường sử dụng drone để rải mìn chống tăng trên các con đường nằm phía sau phòng tuyến của Nga. Loại mìn được rải trên mặt đất này có thể được tháo gỡ tương đối dễ dàng, song ngăn chặn drone rải mìn khó khăn hơn do nó liên tục di chuyển, thậm chí tấn công người đang gỡ mìn.
Chiến thuật "mật phục bằng drone" của Ukraine còn là bước tiến để hiện thực hóa khái niệm "HellHive" do công ty VRR của Mỹ tiên phong. Ý tưởng của công ty này là đặt các thùng carton chứa nhiều drone FPV ở vị trí mong muốn trước vài ngày hoặc vài tuần và chỉ kích hoạt chúng khi cần thiết.
Các drone FPV trên có thể vận hành gần như hoàn toàn tự động, chỉ cần được drone trinh sát chỉ định mục tiêu và ra lệnh cất cánh.
"Chỉ cần có drone mẹ phù hợp, drone phục kích có tới bất cứ đâu. Mẫu drone Lyutyi của Ukraine có tầm hoạt động lên tới hơn 1.600 km", Hambling cho hay. "Thay vì mang thuốc nổ, nó sẽ rải lượng lớn drone FPV xung quanh căn cứ không quân của đối phương. Những quả đạn này sẽ ẩn nấp và cản trở hoạt động của kẻ địch trong nhiều ngày".
Drone phục kích có thể được đặt ở các điểm quan sát phù hợp, giúp tổ vận hành lựa chọn mục tiêu giá trị cao ở trong nhà hoặc ngoài trời. Nếu được triển khai xung quanh boongke chỉ huy, chúng sẽ khiến bất kỳ ai ra vào gặp nguy hiểm, theo Hambling.
Phạm Giang (Theo Forbes, Reuters)